Lễ hội cầu ngư xã Cẩm Nhượng. Ảnh: Tư liệu
Những ngày này, người dân xã Cẩm Nhượng đang háo hức chuẩn bị lễ đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội cầu ngư, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Bỉnh, 69 tuổi, ngư dân ở thôn Liên Thành (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi khi nghe tin vui xã thông báo trên loa truyền thanh. Là một thành viên trong đội hò chèo cạn nên chúng tôi sẽ tập luyện để chuẩn bị cho lễ rước bằng”.
Miếu Ngư ông - di tích gắn với Lễ hội cầu ngư Cẩm Nhượng vừa được trùng tu các hạng mục với trị giá 2,6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Được biết, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc hoàn thiện hồ sơ, người dân địa phương cũng đã nỗ lực đóng góp tiền của và công sức để phục dựng lễ hội này. Trong đó, bên cạnh huy động được gần 800 triệu đồng, người dân Cẩm Nhượng cũng tích cực tham gia vào việc biên soạn lại lời hò chèo cạn, thành lập câu lạc bộ hò chèo cạn, đội nghi lễ, các hội đua thuyền, tổ chức truyền dạy thể lệ của lễ hội...
Cùng với Lễ hội cầu ngư, nhiều năm nay, nhờ khéo vận động, khơi dậy sức dân, xã Cẩm Nhượng đã huy động hàng chục tỷ đồng, tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Tiêu biểu như: phục hồi đền Cả, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh với số tiền 7,5 tỷ đồng (2008); tôn tạo chùa Yên Lạc, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với số tiền 3,2 tỷ đồng (2012); năm 2019-2020 huy động 2,6 tỷ đồng trùng tu miếu Ngư ông và 800 triệu đồng xây dựng lại miếu ông Văn Hiền...
Công trình miếu ông Văn Hiền được đầu tư 800 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa hoàn thành cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Số tiền đóng góp phục vụ việc khôi phục, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương phần lớn nhờ vào sự chung tay của con em xa quê. Chúng tôi đã thành lập ban vận động quyên góp và tuyên truyền qua nhiều kênh với nhiều nội dung. Ngoài ra, các thông tin về việc đóng góp, chương trình, kế hoạch chi tiêu tài đảm bảo minh bạch. Nhờ đó, người dân dù ở tại địa phương hay đang sinh sống ở xa cũng đồng tình và ủng hộ”.
Mới đây, xã Cẩm Nhượng cũng đã nhận được sự đóng góp của 2 mạnh thường quân là bà Trần Thị Long và Trần Thị Lý (người Cẩm Nhượng hiện đang sống ở một tỉnh phía Nam) số tiền 4,5 tỷ để tiếp tục trùng tu một số hạng mục xuống cấp ở chùa Yên Lạc.
Đền thờ và lăng mộ Đức đại vương Nguyễn Đăng Minh ở xã Cẩm Vịnh vừa hoàn thành đầu năm 2021 với vốn đầu tư 5 tỷ đồng chủ yếu từ sự đóng góp của người dân.
Cùng với Cẩm Nhượng, nhiều địa phương khác ở Cẩm Xuyên như: Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, thị trấn Cẩm Xuyên... cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.
Đầu năm 2021, xã Cẩm Vịnh đã hoàn thành dự án công trình trùng tu, tôn tạo đền thờ và lăng mộ Đức đại vương Nguyễn Đăng Minh tại thôn Ngụ Quế - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thờ vị tướng có công trạng lớn chống quân Nguyên xâm lược ở thế kỷ XIII với số tiền đầu tư 5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền từ ngân sách nhà nước là 200 triệu đồng, còn lại do cá nhân ông Nguyễn Trọng Long (một người con xa quê của xã) và người dân Cẩm Vịnh đóng góp.
Được biết, giai đoạn từ năm 2015-2020, huyện Cẩm Xuyên đã huy động được 19,5 tỷ đồng phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo 17/37 di tích đã được công nhận. Trong đó, nguồn xã hội hóa là 16,2 tỷ, chiếm gần 83%.
Ông Lê Hữu Quyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Cẩm Xuyên hiện có 37 di tích đã được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trong đó, 5 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều phế tích có giá trị lịch sử văn hóa chưa được phục hồi. Huyện khuyến khích và đồng hành cùng các địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và phục dựng các di tích, lễ hội... nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn”.