Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Pê-tờ- rô- gờ-rát năm 1917 (ảnh: Tư liệu)
Dấu ấn của cách mạng tháng Mười
Tháng 02/1917, cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất nổ ra và giành thắng lợi, chế độ Nga hoàng bị lật đổ, nhưng cuộc cách mạng vẫn chưa kết thúc. Nước Nga trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt, hai chính quyền cùng tồn tại. Giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo Chính phủ lâm thời Trung ương, ở các địa phương do các Xô-viết công - nông - binh điều hành với vai trò lãnh đạo thuộc về Đảng Bônsêvic. Chính phủ tư sản dần bộc lộ bản chất phản động và tính chất cải lương trong giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Điều đó đã thúc đẩy tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân ngày càng lên cao.
Đêm 06 - sáng 07/11/1917, Cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi, công nhân và quân đội cách mạng đã chiếm giữ hầu hết thành phố Pê-tơ-rô-grát. Cùng ngày, Đại hội II toàn Nga các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính đã khai mạc. Đại hội thông qua: Sắc lệnh về hoà bình, Sắc lệnh về ruộng đất, Sắc lệnh về tổ chức chính quyền, “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga” khẳng định quyền bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc, tự do tự quyết. Các sắc lệnh và tuyên ngôn hợp lòng dân có sức mạnh lan toả nhanh chóng, từ đó cách mạng đã nhanh chóng th ành công trên toàn nước Nga.
Tầm vóc của cách mạng Tháng Mười
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (1) . Cuộc cách mạng đã phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xô - viết, nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.
Đây là cuộc cách mạng vĩ đại và triệt để nhất trong lịch sử nhân loại, chính quyền thuộc về thiểu số người bóc lột đã thuộc về đa số người lao động bị bóc lột vươn lên làm chủ. Cách mạng Tháng Mười làm cơ sở thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười đối với phong trào cách mạng quốc tế
Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chỉ ra sức sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân trong sự nghiệp kiến tạo một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Từ một nước Nga trung bình dưới thời Sa hoàng, đất nước Nga Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, xã hội…; là lực lượng chủ yếu đánh tan phát-xít Đức trong thế chiến hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít. Trong một thời kỳ dài của lịch sử ở thế kỷ 20, Liên Xô đã trở thành một cường quốc thế giới, là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản, tự giải phóng mình; là xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển, lan tỏa nhanh và mạnh sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam
Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, Đảng ta lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại; lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đưa đến thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; lãnh đạo toàn dân, toàn quân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thực hiện thành công bước đầu đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta bày tỏ sự trân trọng, niềm tự hào về các giá trị lịch sử mà cuộc cách mạng “triệt để nhất” của nhân loại đã mạng lại. Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới; chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Kiên trì thực hiện ba nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Chú thích: (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.300-301.
Đặng Hữu Trình - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy