Nướng cá không chỉ tạo nên nét truyền thống đặc trưng của làng biển mà còn là nghề nuôi sống người dân nơi đây từ bao đời nay.
Qua cầu Hộ Độ chưa đến 500m, người ta kịp nhận ra ngay “làng” cá nướng nổi tiếng vùng biển cửa Lộc Hà. Tuy chỉ 5-7 nhà làm nghề nhưng chính “nhất nghệ tinh” đã tạo nên thương hiệu đặc biệt cá nướng Hộ Độ. Từ sáng đến chiều, những người phụ nữ cần mẫn “bán mặt” trên bếp lửa hồng để cho ra những mẻ cá nướng ngọt, thơm, cung cấp cho thị trường.
Bà Trương Thị Loan (thôn Vĩnh Phú) đã có hơn 40 năm làm nghề nướng cá. Từ năm 13 tuổi đã theo cha mẹ học nghề, nay bà là người có tay nghề vững nhất ở làng này. Sản phẩm của bà tiêu thụ từ Kỳ Anh, Nghi Xuân, đến tận Hà Nội, Sài Gòn. Bà Loan chia sẻ: “Người ta nói nướng cá là nghề đội nắng, chan mưa chẳng sai đâu. Chúng tôi không làm nghề biển, vì thế, để có sản phẩm tươi ngon, đầu tiên phải chọn được cá tươi, sạch sẽ từ tinh mơ ở bến thuyền. Rồi đến công đoạn rửa, phơi ráo mới đưa lên bếp nướng. Than đỏ rần rần cả ngày, có khi ra khỏi bếp, mắt hoa chẳng thấy gì. Thế nhưng, nghề này cũng cho thu nhập khá, mỗi ngày kể cả mối ở xa và bán lẻ, tôi xuất ra thị trường khoảng 500 con, đủ để nuôi cả gia đình”.
Than đỏ rần rần cả ngày, nghề này cho thu nhập khá
Từ chỗ chỉ có gia đình bà Loan làm nghề, đến nay đã có nhiều hộ tham gia, tạo thành một khu vực hoạt động tập trung. Chị Nguyễn Thị Hải Yến cho hay: “Khách bắt đầu trở lại đều đặn từ khoảng 3 tháng nay. Trước đây, tôi chỉ nướng cá nục, cá cơm, cá trích, nay bán thêm các loại cá lớn hơn như: cá thu, bống bớp… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Theo bà con, nguồn cá để làm cá nướng đầu tiên là phải tươi, tiếp đến là chủng loại, chủ yếu là cá nục hoa, theo bà con, loài cá này thường được đánh bắt xa bờ, vừa có trọng lượng vừa phải, lại béo nên khi nướng sẽ vừa thơm, vừa ngậy. Công việc nướng cá cũng chẳng hề đơn giản, người làm nghề phải thật dày dạn kinh nghiệm, điều chỉnh độ lửa của bếp than, lúc vừa, lúc rực để đảm bảo cá nướng vừa chín mà không bị khô. Ở Hà Tĩnh, hầu như làng biển nào cũng có nghề nướng cá, chủng loại cũng phong phú dần nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hộ Độ, Thạch Kim (Lộc Hà); Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); Cương Gián (Nghi Xuân)…
Hà Tĩnh, hầu như làng biển nào cũng có nghề nướng cá
Từ làng biển, người dân đưa nghề ra tận các chợ. Bà Nguyễn Thị Báu (thôn An Trung, Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã có thâm niên làm nghề nướng cá tại chợ Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) hơn 10 năm, dù có những thời điểm khó khăn sau sự cố môi trường nhưng quầy của bà luôn thu hút người mua. Bà Báu cho biết: “Trước đây, tôi thường nhập hàng nướng sẵn về bán nhưng từ khi chợ Bắc Hà thành lập, tôi chuyển hẳn về đây nhập cá tươi về nướng. Cá được nướng tại chỗ, vừa nóng, vừa tươi nên rất được khách hàng ưa chuộng. Gần như không có ngày nào ứ hàng”.
Nghề nướng cá cực nhọc, vất vả nhưng cũng đủ chắt chiu nuôi sống gia đình, đưa những đứa con vào đại học. Hằng ngày, trên bếp than hồng vẫn luôn rực đỏ, những bàn tay thô ráp chăm chỉ lật trở từng con cá để mưu sinh như một sự trả ơn nghĩa tình của biển cả…