>> Tái cơ cấu nông nghiệp: Khi “4 nhà” chưa cùng tiếng nói!
Chật vật từ lượng sang chất…
Cách đây ít năm, chuyện sản xuất cánh đồng mẫu lớn được người nông dân hồ hởi tham gia. Hà Tĩnh đã từng gây tiếng vang lớn khi xây dựng được cánh đồng một giống gần 500 ha, lớn nhất Bắc miền Trung ở thời điểm đó. Điều quan trọng, nó đã tạo sức lan tỏa lớn ở tất cả các địa phương. Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng giống sử dụng trong một vụ sản xuất của Hà Tĩnh giảm xuống còn 46, thay vì gần 100 giống như trước. Con đường tiếp cận mục tiêu từ lượng sang chất vừa mới lộ hình hài thì đùng một cái bị “chặt đứt” vì doanh nghiệp (DN) không giữ được chữ “tín”. Mất đi DN lớn như Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh như “rắn mất đầu”.
Là sản phẩm chủ lực có lợi thế phát triển nhất, nhưng chăn nuôi lợn vẫn "hổng" truy xuất nguồn gốc từ sản xuất đến thị trường.
Hiện tại, dẫu năng suất lúa gạo liên tục tăng, đạt trung bình 56-57 tạ/ha nhưng vẫn không có nổi một giống lúa nào làm nên thương hiệu của địa phương. Trong số gần 50.000 ha lúa thì chỉ khoảng 20% diện tích sử dụng giống chất lượng và sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh vẫn phải “chung thủy” với bộ giống tồn tại cả chục năm như HT1, khang dân 18, xuân mai 12...
Công cuộc chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn càng không phải là cuộc cách mạng dễ dàng. Bài toán kinh tế đặt ra, mỗi sào cây trồng cạn có thể gấp 2-3 lần trồng lúa. Và, giá trị kinh tế gia tăng này được các địa phương thực hiện trong suốt nhiều năm liền được khoảng 1.500 ha, đạt khoảng 50% chỉ tiêu. Điều đáng nói, sự chuyển đổi này không lấy gì làm bền vững.
Chuyện ở Hương Khê, để phủ kín diện tích sản xuất vụ đông, huyện đã mời DN lên tận nơi đối thoại với nông dân về chuyện trồng ngô sinh khối. Song, với kỳ vọng trên 2.000 ha của DN thì số có thể thực hiện đạt khoảng 25%. Ông Trần Hữu Tuyên - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư thương mại & Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad) cho biết: “Nếu sản xuất rải vụ thì công ty sẽ bao tiêu được trên 2.000 ha và bà con có thể sản xuất gối lứa quanh năm theo hướng chuyên canh. Đối với loại cây này càng phải quy hoạch chuyên canh thì mới cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, bà con chỉ muốn sản xuất 1 vụ, 1 vụ để sản xuất lạc xuân”. Đúng ra, cây trồng cạn vẫn chỉ là chỗ “thế chân” tạm thời, kiểu tranh thủ thời vụ.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng muốn phát huy được phải dựa trên sự tự nguyện của người dân, sự tham gia của DN và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Trong đó, có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, thương mại cho đến chế biến nhằm tạo ra giá trị kinh tế rõ rệt”.
Truy xuất nguồn gốc - “đơn thương độc mã”…
Đã bước sang năm thứ 2 HTX Chăn nuôi lợn Thạch Long (Thạch Hà) thực hiện chuỗi sản phẩm lợn theo truy xuất nguồn gốc từ thời điểm sản xuất. Từ đầu vào đến đầu ra, con nuôi đều được quản lý một cách chặt chẽ từ nguồn giống, quy trình nuôi đến ngày xuất chuồng. Cuối vụ nuôi, mỗi con lợn đều được bấm thẻ tai, ghi rõ thông tin chủ hộ nuôi, ngày - giờ xuất chuồng, thông tin về kiểm dịch thú y… Trớ trêu thay, giữa “cơ man” sản phẩm lợn được xuất ra thị trường, những con lợn có “chứng minh thư” này lại chẳng được đối đãi tương xứng.
Ông Lê Đăng Sơn - Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn Thạch Long cho biết: “Lúc xuất bán cho một số tiểu thương, thậm chí họ không quan tâm đến thẻ tai lợn là như thế nào. Có nơi, khi vào lò mổ xong là cắt tai đó vứt đi luôn vì sợ người tiêu dùng chê không lành lặn. Trong khi giá thành sản xuất theo truy xuất nguồn gốc rất cao nhưng giá bán ra lại không mấy khác biệt so sản phẩm chăn nuôi truyền thống”.
Trở lại với bưởi Phúc Trạch, giá mỗi kg bưởi khi vào siêu thị Vinmart là 100 nghìn đồng, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày thu hoạch, được kiểm tra các chỉ số về an toàn thực phẩm. Những trang bị cho sản phẩm sạch không đủ để chúng hấp dẫn hơn với người tiêu dùng. Người ta vẫn đổ xô đến những sạp bưởi bán ở vỉa hè với giá chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/quả. Và nghiễm nhiên, chúng vẫn được gọi cái tên quen thuộc: bưởi Phúc Trạch.
Dường như con đường truy xuất nguồn gốc vẫn còn quá “đơn thương độc mã”. Người nông dân có tư tưởng tiến bộ đã bắt đầu “bắt nhịp” với xu thế “khác biệt” để tìm lấy giá trị mới trong sản xuất. Tuy nhiên, sự “nhập cuộc” của người đồng hành là quản lý nhà nước vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Một sản phẩm sạch không tự nó khiến người ta công nhận, chúng phải được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ trong kết nối thị trường và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng từ các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Chính sự thiếu hụt này mà người tiêu dùng “mù mờ” về nhận thức, người sản xuất thiếu mặn mà, còn DN lại lúng túng khi thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc trăn trở: Hiện nay, nguyên liệu sản xuất thức ăn của công ty được nhập cả nước ngoài lẫn lấy trong nước thì việc truy xuất phải thực hiện như thế nào?...
Tái cơ cấu nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, nhằm chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, tăng cao giá trị để xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Sự định hướng của ngành nông nghiệp trong những năm qua đã giúp sản xuất phát triển theo đúng đích cần đến. “Vạn sự khởi đầu nan”, đã đến lúc tái cơ cấu nông nghiệp Hà Tĩnh cần phải có những bứt phá để chuyển tiếp đến giai đoạn tiếp theo một cách bền vững hơn.