Theo đà phát triển chung của công nghệ, smartphone ngày càng có nhiều tính năng mới, chụp ảnh đẹp hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn, đa nhiệm tốt hơn,... song duy nhất chỉ có một thứ dường như chẳng được cải thiện chút nào - đó chính là pin.
Ngay cả khi đã trao cho smartphone những mức dung lượng pin khổng lồ, lên tới 4.000, thậm chí 5.000 mAh, cùng hàng loạt tính năng tiết kiệm điện, sạc nhanh,... thì dường như vẫn quá khó khăn để chúng có thể trụ nổi 1 ngày sử dụng, hay cùng lắm là 2 ngày.
Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ đầu của giai đoạn bùng nổ điện thoại thông minh - vốn không còn xa lạ với những ai thuộc thế hệ 7x, 8x. Lúc bấy giờ, pin trên điện thoại có thể dễ dàng duy trì được vài ngày, hay thậm chí cả tuần lễ mới phải sạc lấy một lần.
Vậy tại sao công nghệ pin lại chẳng hề tiến bộ chút nào so với mốc thời gian cả chục năm trước, và thậm chí còn “thụt lùi”?
Dung lượng pin ngày một được tăng, nhưng bấy nhiêu chỉ là để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng cơ bản trước đó.
Theo Venkat Srinivasan, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác khoa học năng lượng Argonne, cũng đồng thời là một chuyên gia về công nghệ pin, thì câu trả lời rất đơn giản: “Định luật Moore đã vượt qua sự phát triển của công nghệ pin”.
“Nghĩa là, điện thoại của chúng ta càng tốt hơn, càng nhiều tính năng hơn, thì chúng càng đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Và tốc độ phát triển của chúng thì lại nhanh hơn rất nhiều so với những tiến bộ về pin”, Venkat lý giải.
Nếu phân tích kỹ hơn, có thể thấy rằng pin sạc trên điện thoại ngày nay vẫn sử dụng công nghệ tấm đồng Lithium từ những năm đầu của thập niên 90, và chúng ta đang đạt đến giới hạn về mức độ sử dụng chúng.
Công nghệ trên smartphone ngày một được nâng cao, đồng nghĩa với điện năng tiêu thụ cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Duy chỉ có pin là “dậm chân tại chỗ”.
Điều này có thể dễ dàng được nhận thấy nếu như nhìn bản thiết kế của bất kỳ chiếc smartphone nào. Bên cạnh các chi tiết như bảng mạch, cpu, dây dẫn, cụm camera,... thì tất cả chỗ trống còn lại đều đã được lấp đầy bởi pin. Tức là cả về mặt công nghệ lẫn số lượng, thì pin trên smartphone đều đã đạt giới hạn của chúng.
Theo Venkat, điều duy nhất mà chúng ta có thể hy vọng đó là các nhà khoa học sẽ sản sinh ra một công nghệ pin mới giúp đảm bảo cung cấp điện năng cho thiết bị, mà lại nhỏ gọn, hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, có một điểm trừ trong kế hoạch, đó là vào thời điểm những cục pin mới này đi vào hoạt động, thì điện thoại của chúng ta có thể sẽ còn tiên tiến hơn, cần nhiều năng lượng hơn nữa. Và điều ấy sẽ khiến chúng ta một lần nữa, quay trở lại với vòng lặp của pin như khi chúng ta bắt đầu.