Một số diện tích trồng kim tiền thảo của xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) đã được thu hoạch từ trong Tết, nay cỏ đã mọc um tùm...
Nếu như thời điểm này năm ngoái, nông dân xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) nhộn nhịp ra đồng làm đất, trồng kim tiền thảo thì năm nay mọi chuyện đã khác. Một số diện tích đất đã được thu hoạch từ trong Tết nay cỏ mọc um tùm; số còn lại đang trồng khoai lang, người dân cũng không mặn mà thu hoạch.
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho hay: “Năm 2019, Công ty CP Dược Hà Tĩnh thông báo tạm ngừng liên kết sản xuất kim tiền thảo với lý do nếu trồng liên tục sẽ không cho hiệu quả. Thay vì kim tiền thảo, công ty muốn nông dân chuyển sang trồng cây mã đề. Tuy nhiên, công ty chỉ thu mua hạt mã đề, không thu mua cây. Xét thấy không hiệu quả nên người dân không trồng mã đề. Không để đất bỏ hoang, chúng tôi đang vận động nông dân gieo trỉa lạc và trồng khoai lang, mặc dù đây là những loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp hơn rất nhiều so với kim tiền thảo”.
Cũng theo ông Chiến, từ năm 2012 địa phương bắt đầu liên kết trồng dược liệu với Công ty CP Dược Hà Tĩnh với cây chủ lực là kim tiền thảo. Để có được vùng nguyên liệu như hôm nay là kết quả của một quá trình dài phấn đấu. Ngoài sự nỗ lực của người dân thì chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm trong quy trình tổ chức sản xuất đảm bảo đồng nhất về thời gian, giống, chăm sóc, thu hoạch... Vì vậy, nếu vụ này không tiếp tục liên kết sản xuất thì vụ sau e sẽ tác động xấu tới quá trình liên kết giữa đôi bên.
Nông dân xã Cẩm Phúc thu hoạch mã đề vụ sản xuất 2018
Cẩm Phúc cũng là địa phương liên kết trồng dược liệu khá lâu năm với Công ty CP Dược Hà Tĩnh. Ông Hoàng Kim Thắng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc cho hay: “Vụ này, công ty có chủ trương không trồng kim tiền thảo. Để đảm bảo cho quy trình liên kết trước nay không “đứt gánh giữa đường”, chúng tôi đã vận động nhân dân chuyển đổi hơn 2 ha kim tiền thảo trước đây sang trồng cây mã đề. Song trên thực tế, người dân cũng không mấy mặn mà do trồng mã đề rất tốn công lao động và đặc biệt là hiệu quả thấp hơn nhiều so với trồng kim tiền thảo. Những vụ sau, chúng tôi mong muốn công ty tiếp tục liên kết trồng kim tiền thảo để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho nông dân”.
Bên cạnh yếu tố đất đai cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định là lý do khiến công ty CP Dược Hà Tĩnh tạm ngừng liên kết sản xuất kim tiền thảo
Nói về vấn đề này, ông Đào Viết Hương – Giám đốc nhân sự Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Bên cạnh yếu tố đất đai cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty cũng thiếu ổn định. Cụ thể viên Sinakarang (xuất khẩu sang Lào) sử dụng dược liệu kim tiền thảo và mã đề tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn Hà Tĩnh đầu ra đang bấp bênh nên năm nay công ty phải tạm ngưng liên kết sản xuất kim tiền thảo. Thay vào đó chúng tôi hướng nông dân sản xuất mã đề và một số cây dược liệu khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) và xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) triển khai, còn xã Cẩm Vịnh thì không. Thực trạng này không chỉ người nông dân ảnh hưởng mà cũng tác động không tốt tới vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp”.
Trồng dược liệu, một số loại dù giá trị kinh tế mang lại không cao thì vẫn hơn một số cây trồng nông nghiệp khác. Thiết nghĩ, chính quyền xã Cẩm Vịnh cần có giải pháp vận động người dân tiếp tục trồng một số dược liệu theo đề nghị của doanh nghiệp để có thêm thu nhập, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang; mặt khác, cũng là giúp doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn nhất thời khi họ chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.