Tinh thần lạc quan Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù” toát lên ở cách ứng xử với thực tại, với nghịch cảnh. Vô cớ bị bắt giam, hành trình lao tù trong 13 tháng trải qua 30 phòng giam thuộc 18 nhà lao ở 13 huyện, thị của tỉnh Quảng Tây có muôn nỗi gian nan. Đã có lúc Người đau đớn viết: “Ở tù năm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này”. Nhưng, hoàn cảnh ngục tù càng ngặt nghèo, nóng bỏng càng cho thấy rõ chất “vàng” của nhân cách Hồ Chí Minh.
Bác Hồ làm việc tại hang núi Việt Bắc, năm 1951 (Ảnh tư liệu)
Bằng tinh thần lạc quan, Hồ Chí Minh sớm làm chủ tình huống, nhận chân và vượt lên hoàn cảnh. Người coi tù ngục chỉ là nơi lưu trú tạm thời của “khách tự do”, “khách quý”, của bậc “khanh tướng”, “khách tiên”. Người lấy lại phong thái ung dung tự tại, tâm thế vững vàng ngay sau phút lao đao “mang nhục”, thể hiện cái nhìn vượt thoát thực tại ngay khi mới bị bắt và bị giam: “Trong lao tù cũ đón tù mới/ Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa/ Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do”. Bản lĩnh, trí tuệ giúp Người vượt lên khổ ải cùng những áp lực tâm lý và cả bệnh tật, vượt lên bao cay đắng để mạnh mẽ nhìn thẳng và chiến thắng hoàn cảnh.
Và, quan trọng hơn, không cần lên gân mà từ trong sâu thẳm, Hồ Chí Minh hiểu rõ giá trị của những gian nan, thử thách đối với con đường của những người gánh vác đại sự, của bậc anh hùng, là môi trường/cơ hội để mình rèn luyện, khẳng định giá trị bản thân: “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”, “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Hồ Chí Minh tư duy rất tích cực và biểu đạt cực kỳ giản dị: “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi”, “Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Người hiểu rất rõ những quy luật tất yếu của tự nhiên, của đời sống và có tư duy vượt thoát hiện thực, nhìn xuyên thấu hiện thực, xuyên thời gian. Phải là một trí tuệ mẫn tiệp, mang sẵn phẩm tính lạc quan mới có thể có cái nhìn và cách nhìn độc đáo ấy!
Với tinh thần lạc quan, dù là thân tù ngục, Hồ Chí Minh vẫn mở lòng cảm nhận được những vẻ đẹp phong phú của cuộc sống. Tinh thần ấy biểu hiện ở tâm thế ung dung, ở tâm hồn khoáng đạt, mạnh mẽ: “Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng”. Bị trói, thậm chí bị treo chân lên lủng lẳng như “giảo hình”, Người vẫn biểu hiện sự quan tâm đến cuộc sống quanh mình “Làng xóm ven sông đông đúc thế” để thấy cảnh thanh bình và thấy mình thanh thản “Thuyền câu rẽ sóng thênh thênh”. Trên đường bị giải qua các nhà lao trong cảnh mùa màng, Người vui cùng những con người lam lũ “Khắp chốn nông dân cười hớn hở/ Đồng quê vang rộn tiếng ca vui”…
Hồ Chí Minh chịu bao nỗi đọa đày nhưng không những không bi lụy mà còn vượt thoát lên trên cảnh ngộ, tìm thấy sự cân bằng cho chính mình, tìm lấy những điều tốt đẹp trong thực tại, hòa cùng vẻ đẹp trong sáng của thiên nhiên vạn vật, của sự sống trường cửu. Thế nên, tinh thần lạc quan biểu hiện trong những vần thơ về thiên nhiên vũ trụ thật đẹp: “Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”, “Đất trời một thoáng thu màn ướt/ Sông núi muôn trùng trải gấm phơi”, “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”… Những dòng nhật ký - thơ, thơ - nhật ký ấy bày tỏ cảm nghĩ, rung động trước những vẻ đẹp của sự sống vừa đem lại những cảm nhận mới mẻ về sự sống từ góc nhìn/cách nhìn độc đáo, vừa là sự biểu đạt trọn vẹn vẻ đẹp chân dung tinh thần của cái “tôi” trữ tình - tác giả. Đó là con người kiên cường ở vẻ ngoài, tự tại từ bên trong.
Với tinh thần lạc quan từ trong máu thịt, như vẫn thể hiện ở nét thông tuệ hóm hỉnh trong đời sống và chất hài hước trong văn xuôi báo chí tiếng Pháp, Hồ Chí Minh vẫn luôn nhìn thấy ánh sáng từ trong cảnh tù đày tăm tối. Từ “Nhật ký trong tù”, ta thấy tác giả tập nhật ký - thơ không còn là “tù nhân” nữa mà là “thi nhân”, “triết nhân”. Chỉ nhìn vào hệ thống hình ảnh thơ và sự vận động của nó luôn hướng về ánh sáng, luôn thể hiện sự trỗi dậy của sự sống đủ cảm nhận luồng sáng của sự lạc quan trong tâm hồn, trong phong cách sống của Người: “Đầu non sớm sớm vầng dương mọc/ Khắp chốn nơi nơi rực ánh hồng”, “Nắng sớm mặt trời soi cả ngục/ Sương mù khói đặc bỗng tan hơi”, “Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng”…
Với tác giả “Nhật ký trong tù”, “Mọi bức tường đều là một cánh cửa” (Ralph Waldo Emerson). Giá trị của tinh thần lạc quan trong tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ chẳng bao giờ cũ, chừng nào con người còn cần niềm yêu đời, còn mong muốn vượt lên những bế tắc, trở ngại!