Mỗi ngày, Khu di tích Kim Liên đón hàng nghìn lượt khách. Những kỷ vật của Bác chính là một trong những yếu tố để lại dấu ấn sâu đậm đối với du khách khắp mọi miền.
Một trong những người thầm lặng mà chúng tôi gặp trong chuyến về thăm quê Bác vừa qua là anh Nguyễn Công Sơn. Anh Sơn là một trong những cán bộ mẫn cán, có trách nhiệm cao trong công việc, vừa được Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên tuyên dương về học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy sinh ra ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương nhưng từ nhỏ, Sơn thường qua thăm quê Bác và có tình cảm đặc biệt với quê nội, quê ngoại của Người. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Sơn đã xin vào làm việc ở đây. Được phân công làm nhiệm vụ kiểm kê, bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời của Bác đối với Sơn là một may mắn lớn.
Mỗi sớm tinh sương, Nguyễn Công Sơn và các đồng nghiệp của mình đã có mặt ở Khu di tích Kim Liên để sửa soạn, lau chùi các hiện vật, phục vụ khách tham quan.
Nguyễn Công Sơn chia sẻ: “Được tiếp xúc với những tư liệu, hiện vật của Bác, tôi càng hiểu và yêu kính Bác hơn. Tôi cũng hiểu rằng, để sưu tầm được những tài liệu, hiện vật ấy cũng mất rất nhiều thời gian và công sức, chính vì thế, tôi rất cẩn trọng trong công tác bảo quản. Nếu phát hiện hiện vật nào xuống cấp thì tôi phải báo cáo với ban quản lý ngay và đề xuất một số phương án để có kế hoạch bảo vệ”.
Cũng giống như đồng nghiệp ở Phòng Kiểm kê bảo quản, mỗi ngày làm việc của Sơn đều bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc tầm 18h chiều. Hiện nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên trưng bày 500 tài liệu, hiện vật. Mỗi ngày, các cán bộ đều phải hoàn thành việc lau dọn trước khi du khách đến và kiểm kê, bảo quản sau khi du khách về. Ngoài ra, Sơn còn đảm nhận công tác phòng cháy chữa cháy nên công việc lúc nào cũng kết thúc muộn hơn.
Công việc tưởng chừng như rất nhàm chán nhưng với Sơn lại rất cuốn hút bởi anh cảm nhận được sự ấm áp toả ra từ căn nhà, từ những kỷ vật thân thuộc.
Công việc tưởng chừng như rất nhàm chán nhưng với Sơn lại rất cuốn hút bởi không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật như thế. Quan sát Sơn làm việc mới cảm nhận được tình cảm của anh đối với Bác Hồ cũng như những kỷ vật của Bác và gia đình. Ngay cả cách cầm cái khăn, cái chổi cũng rất nhẹ nhàng, cẩn thận.
Sơn cho biết: “Mỗi lần lau các đồ vật, tôi như thấy Bác ở bên mình, vẫn cảm nhận được hơi ấm Người truyền cho tôi. Nâng niu, trân trọng các đồ vật ấy cũng là cách để tôi gần Người hơn, học được thêm nhiều phẩm chất tốt từ Người như tiết kiệm, giản dị và đặc biệt là biết yêu thương, sẻ chia với tất cả mọi người”.
Từ Khu di tích Kim Liên, được ngắm nhìn các kỷ vật của Bác và gia đình, du khách lại được bồi đắp thêm những tình cảm mới.
So với nhiều đồng nghiệp ở Khu di tích Kim Liên, Nguyễn Công Sơn thua xa về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng anh không thua bất kỳ ai về niềm say nghề cũng như ý thức trau dồi nghiệp vụ. Anh Lâm Đình Hùng – Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản cho biết: “Tuy mới công tác ở đây hơn 5 năm nhưng Nguyễn Công Sơn luôn nỗ lực học tập, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm. Đối với những hiện vật bị xuống cấp, hư hỏng, Sơn đã nhiều lần đề xuất các phương pháp xử lý rất hữu hiệu nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật. Ngoài ra, Sơn còn rất tích cực tham gia các hoạt động khác của cơ quan như thi đánh tranh nhanh, gói bánh chưng đẹp… và luôn giành giải cao”.
Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng nghìn du khách đến tham quan các hiện vật của Bác Hồ và gia đình ở Khu di tích Kim Liên. Những kỷ vật của Bác đem lại rất nhiều hiểu biết, tác động đến việc tu dưỡng, rèn luyện của con người. Vì thế, Nguyễn Công Sơn càng ý thức cao hơn trách nhiệm của mình đối với việc bảo quản, kéo dài tuổi thọ các hiện vật ấy…