Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học ở Hà Tĩnh đã được các ngành chức năng và địa phương quan tâm, kịp thời chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ.
Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xẩy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học, cơ sở giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất (ngày 17/11/2022) là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang với hơn 600 người mắc và có 1 trường hợp tử vong.
Tại Hà Tĩnh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong các trường học đã được các ngành chức năng và địa phương quan tâm, kịp thời chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm ATTP tại các trường học vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xẩy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là vấn đề ATTP đối với các quán hàng ăn vặt, ăn nhanh trước các cổng trường học.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên địa bàn, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trường học), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo các trường học trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi, hạn chế tối đa sử dụng các loại rau, củ sống và các món ăn chế biến theo hình thức gỏi. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học; giám sát chặt chẽ chất lượng nước uống trực tiếp cho học sinh và các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán, quà tặng do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực nhà trường. Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo an toàn, yêu cầu tạm dừng sử dụng sản phẩm và phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học, đảm bảo cung cấp nước sạch, diệt côn trùng, chuột…; duy trì khử khuẩn/vệ sinh tay để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm; huy động đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên định kỳ tham gia tổng vệ sinh trường học, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, vệ sinh khử khuẩn lớp học…. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chuyên môn để xử lý nhanh, có hiệu quả khi xảy ra các tình trạng mất ATTP và ngộ độc thực phẩm.