Thực hiện Chương trình Chống lao quốc gia, nhiều ngày qua, xe X-quang kỹ thuật số lưu động được Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh triển khai tới nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh để tiến hành sàng lọc người có nguy cơ mắc lao trong cộng đồng.
Tại xã Đức Đồng (huyện Đức Thọ), trong thời gian 1 buổi đã có hơn 150 người dân được thăm khám, tầm soát nguy cơ bệnh lao và các bệnh lý về đường hô hấp. Bà Trần Thị Liên (xã Đức Đồng) cho biết: “Do nhà cách xa bệnh viện nên tôi không thường xuyên thăm khám, chỉ khi nào đau ốm mới đi. Giờ được các bác sỹ về tận nơi khám phổi, hệ hô hấp nên tôi tranh thủ đi sớm. Chúng tôi rất biết ơn các bác sỹ đã tận tình về tận mỗi xóm, làng xa xôi để thăm khám cho Nhân dân”.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Nội 1 (Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh) cho biết: "Những đợt khám cộng đồng thu hút rất đông bệnh nhân, trong đó, có từ 7 – 10% là đối tượng nghi ngờ mắc lao. Đối với các trường hợp nghi ngờ, chúng tôi cho làm xét nghiệm đờm để xác định vi khuẩn. Khi đã phát hiện mắc lao thì hướng dẫn bệnh nhân xuống trực tiếp Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh kiểm tra tổng quát, xác định mức độ để có phương pháp quản lý, điều trị phù hợp nhất”.
Xe X-quang kỹ thuật số lưu động là xe chuyên dụng với hệ thống thiết bị chụp X-quang kỹ thuật số hiện đại, đọc phim tự động, có khả năng phát hiện bệnh phổi và những vấn đề liên quan đến đường hô hấp ở mức cao.
Đầu năm 2024, Hà Tĩnh được Chương trình Chống lao quốc gia tài trợ hệ thống xe và máy chụp hiện đại kèm theo. Từ khi có xe, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã đẩy mạnh việc sàng lọc nguy cơ lao trong cộng đồng. Ngoài huyện Đức Thọ, bệnh viện còn triển khai chụp X.quang lưu động sàng lọc lao và các bệnh về phổi tại các địa phương: Thạch Hà, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Điều này mang lại hiệu quả tích cực và tạo thuận lợi trong việc thăm khám, phát hiện người mắc bệnh lao trong cộng đồng. Ngoài ra, xe X-quang kỹ thuật số lưu động sẽ đáp ứng được nhu cầu khám sức khỏe về lĩnh vực hô hấp cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng trạm Y tế phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Người dân ai cũng muốn được quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, tuy nhiên rất nhiều người còn e ngại khi đến Bệnh viện Phổi để khám. Vì vậy, với những hoạt động sàng lọc như thế này sẽ thu hút được rất nhiều người dân đến khám, kịp thời sàng lọc được nguy cơ bệnh trong cộng đồng để quản lý, điều trị”.
Song song với sàng lọc, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cũng không ngừng nâng cao năng lực điều trị, góp phần khống chế hiệu quả số người mắc lao tái phát, lao kháng thuốc. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đạt 98,6%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, trở thành nguồn lây bệnh. Theo số liệu của Chương trình Chống lao quốc gia, toàn quốc vẫn còn tới 40% số người mắc mới chưa được ghi nhận hoặc chưa được điều trị. Thực tế này đòi hỏi phải đẩy mạnh việc sàng lọc, chủ động phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng để hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một người mắc lao có thể lây sang rất nhiều người, khi tiếp xúc nói chuyện hoặc qua các hạt bắn của người bệnh phát tán trong không khí, trong khi ở cộng đồng vẫn còn hàng ngàn người chưa phát hiện bệnh. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế thì rất cần sự quan tâm của các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân trong phòng, chống bệnh.