Tạo động lực cho người nghèo ở Hương Khê vươn lên

(Baohatinh.vn) - Để giảm nghèo hiệu quả, bền vững, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xác định việc hỗ trợ phải dựa trên nhu cầu của người dân và tiềm năng, lợi thế của địa phương khi triển khai các dự án.

Thực hiện chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Hương Khê đã xây dựng những mô hình thiết thực và được kỳ vọng sẽ giúp người dân thay đổi tư duy để thoát nghèo.

Gia đình anh Phạm Quang Cai ở thôn Phú Lập, xã Hương Trạch gặp nhiều khó khăn khi vợ anh mắc bệnh nặng, không có sức lao động. Một mình anh Cai vất vả nuôi con, chăm sóc vợ, bởi vậy, gia đình nhiều năm không thể vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn của chương trình giảm nghèo quốc gia, anh Cai được hỗ trợ 8 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gà.

bqbht_br_2.jpg
Anh Phạm Quang Cai được hỗ trợ kỹ thuật và con giống, thức ăn để xây dựng mô hình chăn nuôi gà.

Anh Cai chia sẻ: “Trước đây, gia đình nuôi gà nhỏ lẻ, thả rông nên thường gặp dịch bệnh và không có lợi nhuận. Từ khi tham gia mô hình (tháng 10/2023), việc nuôi gà trở nên chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi được hướng dẫn làm chuồng trại, khoanh vùng để nuôi tập trung, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh và hỗ trợ con giống, thức ăn. Quá trình chăn nuôi thực tế, chúng tôi vừa áp dụng kỹ thuật tiên tiến vừa kết hợp với kinh nghiệm truyền thống nên tạo ra sản phẩm có đặc trưng riêng, được thị trường ưa chuộng. Như việc gia đình sẽ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà để tiết kiệm chi phí, thời gian chăn nuôi cũng được kéo dài hơn để nâng cao chất lượng thịt. Sau lứa đầu tiên cho thu nhập ổn định, gia đình tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô”.

bqbht_br_3.jpg
Mô hình nuôi gà đang tiếp thêm động lực để anh Cai vươn lên thoát nghèo.

Theo tính toán của gia đình anh Cai, trước đây, giống gà bản địa chỉ nặng khoảng 1kg, còn giống mới mỗi con nặng khoảng 3kg nên lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Tính trung bình, mỗi lứa thả 120 con giống, giá gà trung bình khoảng 13 nghìn đồng/kg thì doanh thu đạt gần 40 triệu đồng. Dù đây chỉ là nghề phụ, tận dụng thời gian nông nhàn nhưng mang lại giá trị rất lớn với người nghèo. Không chỉ vậy, từ mô hình cũng đang tiếp thêm động lực để anh Cai vươn lên thoát nghèo. Trước mắt, anh đang muốn làm thêm nghề chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập.

Tại xã Hương Đô, phần lớn hộ dân khó khăn được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi bò sinh sản. Như gia đình ông Ngô Văn Ánh ở thôn 7, thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ 1 con bê từ cuối năm 2022. Sau thời gian chăm sóc, hiện nay, con bê đã gần đến thời điểm sinh sản.

Ông Ánh chia sẻ, tôi sống một mình, do hoàn cảnh khó khăn nên không có vốn sản xuất. Nay được hỗ trợ, tôi rất phấn khởi, gia đình có lợi thế vườn rộng nên sẵn nguồn thức ăn, chi phí, vì vậy, thời gian chăm sóc cũng rất ít. Mô hình đã giúp tôi có thêm động lực lao động sản xuất, nay đã thoát nghèo.

Tính chung trên toàn huyện Hương Khê, trong giai đoạn 2021-2024, tổng kinh phí ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện thực hiện chương trình giảm nghèo quốc gia là gần 6,2 tỷ đồng. Đến nay, đã xây dựng 21 dự án phát triển mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, gà và nuôi ong lấy mật tại 21 xã, thị trấn với 424 hộ tham gia. Trong đó có 100 hộ nghèo, 218 hộ cận nghèo, 80 hộ mới thoát nghèo, 26 hộ khuyết tật. Tổng kinh phí đã giải ngân đạt hơn 3 tỷ đồng.

bqbht_br_1.jpg
Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Hương Khê có 424 hộ khó khăn được hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế.

Qua đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình giảm nghèo đều phát huy hiệu quả, giúp được nhiều hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững. Các địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ xây dựng thêm các dự án, mô hình sinh kế, giải ngân đạt 100% kinh phí được giao.

Theo kế hoạch, huyện Hương Khê tiếp tục xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất...

Ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là cơ hội, động lực để phát triển. Do đó, chúng tôi xác định việc tổ chức thực hiện phải thật sự hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; các dự án hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát để các chương trình, dự án phát huy hiệu quả. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung giải ngân nguồn vốn giảm nghèo, trong đó, ưu tiên hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), đồng bào dân tộc thiểu số”.

Chủ đề Vì người nghèo

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.