Hương Sơn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, xuất phát điểm thấp, lại thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi mưa bão đến, trong khi đại bộ phận người dân thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế không cao, đời sống của nhiều hộ dân khá thấp.
Năm 2021, toàn huyện Hương Sơn có 1.896 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,4%), hộ cận nghèo là 2.494 (chiếm tỷ lệ 7,1%), cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Hương Sơn đã giảm xuống chỉ còn lại 1.178 hộ (tương ứng với tỷ lệ còn 3,36%); hộ cận nghèo là 1.359 (chiếm 3,88%). Đây là những con số “biết nói” về những nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị huyện Hương Sơn, trong đó vai trò chủ công thuộc về Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn.
Đó cũng là kết quả thu được từ các giải pháp được triển khai quyết liệt ở 3 phương diện: huy động mọi nguồn lực hỗ trợ sinh kế gắn với công tác đào tạo nghề; tập trung huy động xóa nhà tạm, nhà không đảm bảo an toàn; trao tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt là trong thực hiện tháng cao điểm vì người nghèo từ 17/10 – 18/11 hằng năm.
Đối với việc hỗ trợ sinh kế, ngoài việc lên kế hoạch hỗ trợ hằng năm, huyện Hương Sơn yêu cầu các xã, thị trấn rà soát thật kỹ hoàn cảnh của những hộ nghèo, cận nghèo để lựa chọn hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp. Chẳng hạn như người già, người khuyết tật được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, các địa phương sẽ hỗ trợ những mô hình nhỏ như nuôi gà, trồng các loại cây ăn quả (ổi Đài Loan, xoài Thái Lan).
Nhờ chính sách hỗ trợ mô hình sinh kế nên nhiều hộ dân ở huyện Hương Sơn được đổi đời. Gia đình chị Lê Thị Ngọc (thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng) là một trong số đó. “Nhiều năm trong danh sách hộ nghèo, tôi cũng cảm thấy tủi thân nhưng vì ngoài chăm chút 3 sào ruộng, gia đình chẳng biết làm gì để tăng thêm thu nhập. Năm 2019, nhận được hỗ trợ hơn 50 cây ăn quả (giống ổi Đài Loan, mít Thái Lan) nên chúng tôi có định hướng để phát triển kinh tế. Năm 2020, gia đình được nhận thêm 1 con bò cái, sinh sản được 2 con bê con nên có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo” - chị Ngọc chia sẻ.
Những hộ có lợi thế về sức khỏe, về số lượng lao động nhiều sẽ được ưu tiên hỗ trợ mô hình nuôi dê, nuôi bò; trồng các loại cây lâu năm như: bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc... Sau khi các địa phương "chốt" mô hình hỗ trợ, MTTQ huyện sẽ phối hợp với các tổ chức khác như Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, Trung tâm Dạy nghề hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để khi nhận cây giống, con giống về trồng, về nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Xã Kim Hoa là một trong những địa phương điển hình về việc lựa chọn mô hình hỗ trợ phù hợp nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh. Theo Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Phan Văn Đoài, hộ nghèo, cận nghèo ở Kim Hoa chủ yếu là hộ hưởng trợ cấp xã hội và những người lớn tuổi nên mỗi năm các tổ chức như hội nông dân, hội LHPN, hội CCB tham gia hỗ trợ 134 hộ nghèo, cận nghèo bằng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt với số tiền trên 200 triệu đồng phù hợp nên hiệu quả đạt được rất lớn.
Bên cạnh tổ chức trao hỗ trợ từ nguồn lực huy động được để trao hỗ trợ đột xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khi xảy ra rủi ro như lũ lụt, lốc xoáy, cháy nhà, vào các dịp như "Tháng cao điểm vì người nghèo", Tết Nguyên đán, Ủy ban MTTQ huyện còn tập trung xóa nhà tạm, nhà tranh tre dột nát, nhà không đảm bảo an toàn nhằm nâng cao chất lượng sống cho những hộ gia đình thuộc diện đối tượng chính sách, đối tượng nhận bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo.
Chính sách làm nhà đại đoàn kết, nhà tình thương nhà nhân ái ở huyện Hương Sơn cũng được rà soát kỹ, được sắp xếp theo trình tự ưu tiên. Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn cho biết, bên cạnh việc kiểm tra xem xét danh sách các địa phương gửi lên tránh trường hợp sai đối tượng, những hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những hộ sống trong những ngôi nhà tạm quá xập xệ được ưu tiên làm trước. Đối với những nhà tài trợ yêu cầu làm nhà cho các hộ phải có xác nhận đất có bìa, không tranh chấp, chúng tôi yêu cầu các xã sớm khẩn trương hoàn thiện thủ tục, không để người dân chờ đợi mất cơ hội làm nhà.
Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ làm mới, nâng cấp được 916 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương với tổng số tiền 56,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn còn hỗ trợ 2.064 cây giống, con giống để phát triển sản xuất với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng; hỗ trợ 86 hộ nghèo khám chữa bệnh hiểm nghèo, gặp thiên tai hoạn nạn với số tiền 176 triệu đồng; giúp 830 học sinh giỏi vươn lên trong học tập với số tiền 415 triệu đồng; hỗ trợ khẩn cấp tiền chữa bệnh cho các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào dịp "Tháng cao điểm vì người nghèo", Tết Nguyên đán hằng năm, huyện còn kết nối với các nhà hảo tâm trong, ngoài nước huy động được số tiền nhiều tỷ đồng giúp những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết vui xuân thêm phần đầm ấm.