Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

(Baohatinh.vn) - Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh cũng ngày một nhiều hơn. Theo số liệu từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 262.096 tấn, tương đương 718 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị 200 tấn/ngày (chiếm 27,9%) và khu vực nông thôn 517,9 tấn/ngày (chiếm 72,1%).

Lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển để xử lý 478 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 66,6%), lượng chất thải giảm do thực hiện phân loại, tự xử lý tại nguồn 189,7 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 26,4%) và có khoảng 50,4 tấn chất thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định.

rac-thai-7652.jpg
Cùng với sự phát triển của KT-XH, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng tăng cao.

Toàn tỉnh hiện có 212 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (5 công ty môi trường và 1 trung tâm dịch vụ hạ tầng, 164 hợp tác xã (HTX) môi trường, 43 tổ/đội vệ sinh môi trường) với 2.187 lao động, 1.869 xe đẩy tay, 125 xe tải các loại, 45 xe chuyên dụng, 30 xe điện và một số phương tiện thu gom rác tự chế với tần suất thu gom trung bình 2 lần/tuần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi tần suất thu gom chỉ 3 – 4 lần/tháng.

Để hỗ trợ, khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII ngày 16/12/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 97). Nghị quyết tập trung một số chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

rac-thai-1-3997.jpg
Nhiều hợp tác xã, tổ đội môi trường vẫn phải sử dụng xe tải để vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch kinh phí 13,24 tỷ đồng và năm 2024 là 11,058 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường cho các địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền, mua chế phẩm sinh học, mua thùng rác, mua xe cuốn ép rác…

Trong 2 năm qua, đã có khá nhiều địa phương đăng ký nhu cầu hỗ trợ các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường mua thùng chuyên dụng gom rác và mua chế phẩm khử mùi tại điểm tập kết/trạm trung chuyển rác; các hợp tác xã đăng ký nhu cầu hỗ trợ mua xe cuốn ép rác phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt…

rac-thai-4-162.jpg
Việc sử dụng chế phẩm sinh hoạt trong xử lý rác thải hữu cơ mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT) cho hay: Gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 97 đã đạt một số kết quả nhất định về công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do quá trình triển khai thực hiện gặp phải một số vướng mắc, bất cập dẫn tới tỷ lệ giải ngân chính sách vẫn còn khá thấp, trong đó, tỷ lệ giải ngân kinh phí năm 2023 là gần 2,1 tỷ đồng, đạt 15,86%.

Nguyên nhân xuất phát từ vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành mức giá trần dẫn đến việc chính sách hỗ trợ kinh phí mua xe cuốn ép rác chưa thực hiện; vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ thùng chuyên dụng gom rác do chưa hiểu rõ về khái niệm “thùng chuyên dụng gom rác” và một số bất cập trong quy định về quy trình và hồ sơ hỗ trợ…

rac-thai-2-8165.jpg
Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường góp phần nâng cao công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, từ thực tế này, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo Nghị quyết 97 phát huy hiệu quả đối với hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết số 133/2024/NQ-HĐND (gọi tắt là Nghị quyết số 133) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 97 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 - 2025 tại Kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh. Nghị quyết số 133 tập trung làm rõ hơn về các loại thùng chuyên dụng gom rác được hỗ trợ; cách xác định giá xe cuốn ép rác để làm căn cứ tính số tiền hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại phụ lục.

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho hay: Việc ban hành Nghị quyết số 133 đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 97 để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phát huy được năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, tạo nền nếp cho hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng, hướng tới một môi trường trong lành, xanh - sạch - đẹp và góp phần xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

rac-thai-5-6462.jpg
Nghị quyết số 133 đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 97.

Cũng theo ông Lê Ngọc Huấn, thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị sẽ yêu cầu các phòng chuyên triển khai thực hiện nghiêm ngay từ khâu quán triệt, tuyên truyền đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nguồn lực để Nghị quyết 133 sớm đi vào cuộc sống; từ đó, nâng cao công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để từng bước kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.