Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

(Baohatinh.vn) - Sau ca vượt cạn thành công của sản phụ đầu tiên từ miền Nam về Hà Tĩnh cách ly tập trung, cùng với sự hỗ trợ của ngành y tế, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh tiếp tục chuẩn bị cho những tình huống mới, nỗ lực cao nhất để các ca đỡ đẻ tại đây diễn ra an toàn.

Thai phụ hạnh phúc, yên tâm khi “vượt cạn” ở quê nhà

Đã hồi phục sức khỏe sau ca vượt cạn diễn ra khá thuận lợi vào tối ngày 2/10, sản phụ T.T.D. (26 tuổi, quê ở xóm 1, xã Phúc Trạch, Hương Khê) - công nhân ở Thuận An (Bình Dương) vui mừng chia sẻ qua điện thoại: "Vào cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh từ chiều tối 30/9, đến ngày 2/10, tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Vượt cạn ở khu cách ly, không có người thân bên cạnh nhưng tôi nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo, theo dõi sát của cả kíp đỡ đẻ. Mẹ tròn con vuông khá thuận lợi, tôi hết sức hạnh phúc và vui mừng. Gia đình tôi nhờ các y, bác sỹ đặt tên cho con trai để cảm ơn và ghi nhớ sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của tỉnh dành cho mẹ con chúng tôi”.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Tối 2/10, các y, bác sỹ đã giúp chị D. “vượt cạn” thành công.

Điều dưỡng trẻ Lương Vân Anh (SN 1988) lần đầu tiên tham gia hỗ trợ đỡ đẻ chia sẻ: "Sản phụ đã vượt chặng đường rất xa từ vùng dịch về quê hương để sinh con, vì vậy, anh chị em trong kíp trực đều căng thẳng và hồi hộp. Thời khắc mà cháu bé chào đời, cất tiếng khóc, tôi cũng rơi nước mắt; kíp trực và cán bộ, nhân viên trung tâm đều vỡ òa trong niềm vui cùng gia đình sản phụ”.

Hiện nay, ngoài 1 trường hợp đã sinh, tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh có 18 thai phụ ở tuần thai 36 trở lên từ miền Nam về cách ly, theo dõi và sinh nở. Được tỉnh đón về quê từ vùng dịch và được sắp xếp, bố trí vào cách ly và theo dõi sinh nở ở một cơ sở y tế mới xây dựng khang trang, sạch sẽ, thiết bị hiện đại và được các y, bác sỹ, nhân viên y tế quan tâm, động viên, chăm sóc chu đáo nên họ rất an tâm.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Mẹ con chị D. đang được theo dõi, chăm sóc chu đáo.

Trong 19 thai phụ được đón về, có những trường hợp khá đặc biệt và đều được các y, bác sỹ chú ý theo dõi. Hiện nay, chị T.T.M về quê khi thai kỳ đang ở tuần thai thứ 37, có vết mổ cũ, tiên lượng sẽ sinh trong vòng 1 tuần tới cũng đang được các y bác sỹ quan tâm.

Chị M. quê ở Thanh Hóa, lấy chồng ở xã Đức Đồng (Đức Thọ), là công nhân ở tỉnh Tiền Giang nên được các y, bác sỹ thường xuyên thăm khám, động viên để chuẩn bị cho kỳ vượt cạn bằng phương pháp sinh mổ.

Chị M. chia sẻ: “Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam, chúng tôi thực sự cảm ơn và hạnh phúc khi tỉnh đã có chủ trương nhân văn đón những người phụ nữ có thai về vượt cạn ở quê nhà. Dù việc sinh nở có khó khăn hơn và ở một nơi đặc biệt nhưng tôi yên tâm vì mình đã trở về quê an toàn, được các y, bác sỹ theo dõi, động viên, chăm sóc chu đáo”.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Siêu âm kiểm tra thai cho sản phụ chị T.T.M

Chủ động chuẩn bị để mẹ tròn, con vuông

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh Nguyễn Đức Khoa cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng phương án, kế hoạch và phân công cán bộ, nhân viên cụ thể để thực hiện 2 mục tiêu: Cách ly y tế an toàn nhằm đảm bảo phòng, chống dịch và chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực nhằm đảm bảo an toàn cho các ca vượt cạn. Trung tâm mới vận hành hoạt động, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị y tế trong ngành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, chúng tôi đang triển khai nhịp nhàng, hiệu quả quy trình theo dõi, chăm sóc và đỡ đẻ cho các sản phụ”.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Các bác sỹ hội ý chuyên môn về những ca có tiên lượng sinh, đẻ mổ trong thời gian cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.

Theo đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh đã phân chia đối tượng thai phụ theo các yếu tố dịch tễ và theo tuần tuổi. Khu cách ly được bố trí ở dãy nhà 3 tầng cùng với hệ thống 2 phòng đẻ, 1 phòng tiền sản, 3 hậu sản, 1 phòng tắm bé với đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại.

Nhờ có cơ sở hạ tầng vừa được đầu tư khang trang, mỗi sản phụ được ở riêng 1 phòng để đảm bảo an toàn cao nhất. Ngoài các lần xét nghiệm PCR theo quy định, Trung tâm Y tế Kỳ Anh còn thực hiện thêm các test nhanh để sàng lọc thêm những nguy cơ.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh hiện có 2 phòng đẻ, 1 phòng tiền sản, 3 hậu sản, 1 phòng tắm bé với đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, đảm bảo các điều kiện hạ tầng cho các ca vượt cạn.

Bác sỹ Lê Văn Huy - Trưởng khoa Ngoại sản, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh - người trực tiếp tham gia ca đỡ đẻ đầu tiên cho sản phụ từ miền Nam về đợt này chia sẻ: "Chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình và tập trung cao nhất về nhân lực, chuyên môn, tinh thần phục vụ để hỗ trợ tối đa những bệnh nhân đặc biệt. Ca đỡ đẻ thành công vừa rồi, ngoài kíp 4 bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh còn có sự đồng hành của bác sỹ Trưởng khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh. Qua thành công ca vượt cạn đầu tiên, chúng tôi đã tự tin, yên tâm hơn để chuẩn bị cho những tình huống mới.

Tập trung cao nhất để sản phụ được đón về từ miền Nam “vượt cạn” an toàn

Các điều dưỡng, nữ hộ sinh đã tự tin, sẵn sàng cho những ca đở đẻ mới.

Hiện nay, qua theo dõi các thai phụ đang cách ly, theo dõi ở Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, trước mắt, có khoảng 7 người có tiên lượng sinh hoặc đẻ mổ, cần theo dõi chặt chẽ.

Cùng với 9 y, bác sỹ, nhân viên trong tổ thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 của trung tâm, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cử 1 bác sỹ chuyên khoa sản đến làm việc ở Trung tâm Y tế Kỳ Anh để kịp thời hỗ trợ. Trong những tình huống đặc biệt, sẽ có kíp y, bác sỹ thường trực ở Bệnh viên Đa khoa tỉnh tăng cường nhằm nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ đỡ đẻ và mổ đẻ cho các sản phụ từ các tỉnh miền Nam trở về.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.