Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đồng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Triển khai thực hiện trong điều kiện nhiều khó khăn, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của các địa phương, kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 35 HĐND tỉnh và kế hoạch 26 của UBND tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống 6,57%.
Ông Bùi Quang Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh: Huyện Kỳ Anh là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2018 đứng tốp cao, trên 11%. Nguyên nhân chủ yếu do điểm xuất phát thấp, ảnh hưởng sự cố môi trường biển, bão số 10…
Nhờ thực hiện tốt chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đến cuối 2018, Hà Tĩnh có 1 huyện NTM, 13/29 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, 5 xã biên giới đặc biệt khó khăn đạt NTM. Hà Tĩnh hiện không còn huyện nghèo, còn 3/8 xã biên giới, 13 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chương trình 135. So với kết quả tổng hợp chưa công bố của toàn quốc, tỷ lệ hộ nghèo Hà Tĩnh dự kiến đứng thứ 29/63 tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT: Ngành nông nghiệp đã phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là 5.515 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 1.485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 217,8 tỷ đồng, nguồn huy động khác trên 122,8 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3.687 tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta còn ở mức cao so bình quân chung cả nước.
Các chính sách giảm nghèo chung như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, y tế… và các chương trình, dự án đặc thù được triển khai hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng: Hà Tĩnh vẫn còn thực trạng người nghèo nhưng không được công nhận nghèo và ngược lại; tư tưởng một bộ phận người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, đang "muốn" nghèo.
Giai đoạn 2019 – 2020, Hà Tĩnh phấn đấu duy trì, hoàn thành kết quả 9 chỉ tiêu giảm nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giải quyết cơ bản về hạ tầng KT-XH ở xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí NTM. Tổng kinh phí thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2019 – 2020 là 651,173 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương trong tỉnh chênh lệch quá lớn. Cần rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, điều chỉnh lại chỉ tiêu giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững gắn với công tác kiểm tra, trách nhiệm người đứng đầu.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Giai đoạn 2016 – 2018, cả hệ thống chính trị có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án giảm nghèo bền vững gắn với chương trình phát triển KT-XH, xây dựng NTM; đời sống người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá sâu.
Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung cả nước, chưa duy trì bền vững trong giảm nghèo, nhất là TX. Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Hương Khê… Quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo ở một số địa phương chậm, thiếu kịp thời; công tác chỉ đạo, triển khai các dự án, chính sách còn chậm, thiếu hiệu quả; chính sách lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển KT-XH thiếu đồng bộ...
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Các ngành, địa phương cần xem việc nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM gắn giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần xem việc nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM gắn giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị 2019. Mục tiêu là huy động mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo sâu và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại chính xác hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ, đến 30/4/2019 phải tổng hợp, báo cáo Sở LĐTB&XH. Đặc biệt, trong rà soát phải phân loại đối tượng hộ nghèo gắn các giải pháp giảm nghèo bền vững. Các địa phương, sở, ngành cũng cần xác định nhu cầu hỗ trợ, tổ chức để hộ nghèo đăng ký phấn đấu thoát nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động.
Để đạt được mục tiêu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, gắn hoạt động giảm nghèo với phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới...