Sáng nay (22/2), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành cuộc họp.
Hà Tĩnh đang cách ly, điều trị 3.669 bệnh nhân COVID-19
Theo báo cáo từ Sở Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 8.282 ca mắc COVID-19. Hiện đang triển khai thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng: tầng thứ 3 gồm BVĐK tỉnh và BV Phổi; tầng 2 gồm các BVĐK và cơ sở y tế có giường bệnh tại 13 huyện, thị xã, thành phố; tầng 1 là khu điều trị dành cho bệnh nhân không triệu chứng (Mitraco) và cách ly, điều trị tại nhà.
Hiện nay, có 304 ca bệnh đang điều trị tại các cơ sở điều trị COVID-19 trong tỉnh và 3.365 ca cách ly, điều trị tại nhà.
Toàn tỉnh đã triển khai tiêm 24 đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên đảm bảo an toàn, kịp thời. Đối với người từ 18 tuổi trở lên, số đã tiêm 1 mũi đạt 99%, số đã tiêm 2 mũi đạt 98%. Tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại 56%. Tiêm cho trẻ em 12 đến dưới 18 tuổi: mũi 1 đạt 98%, mũi 2 đạt 96%.
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn báo cáo một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn và lãnh đạo các địa phương đã phân tích một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong mua sắm test nhanh, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ phục vụ phòng, chống dịch; cơ sở điều trị F0 tại tuyến huyện còn thiếu trang thiết bị, nhân lực mỏng.
Các địa phương có số ca mắc cao, vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa khám chữa bệnh, thực hiện các mục tiêu y tế - dân số nên nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã rất vất vả và áp lực; tình trạng một số ca F0 tại một số địa phương tự phát hiện, không khai báo nên cơ quan chuyên môn khó quản lý, kiểm soát.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn: Người đến trên địa bàn rất đông, việc kiểm soát, quản lý gặp nhiều khó khăn nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch.
Hiện nay, qua đánh giá tình hình toàn tỉnh, Hà Tĩnh đang ở nguy cơ dịch cấp độ 2 - nguy cơ trung bình. Có 16 xã, phường, thị trấn cấp độ 4; 41 xã, phường, thị trấn cấp độ 3.
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, chưa có dấu hiệu giảm và đã có nhiều ca bệnh cộng đồng liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực phức tạp; một bộ phận người dân chủ quan, không thực hiện 5K…
Đại tá Lê Khắc Thuyết - Giám đốc Công an tỉnh: Điều quan trọng nhất hiện nay là sự chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch ở cơ sở và ý thức phòng, chống dịch của mỗi người dân.
Triển khai quyết liệt các giải pháp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới là giảm số lượng ca nhiễm mới, đảm bảo điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân, giảm quá tải y tế, giảm ca tử vong.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại cuộc họp.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, các địa phương, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền người dân thực hiện 5K và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Kiên trì truy vết, cách ly F1 và cách ly, điều trị F0. Các địa phương chủ động việc đánh giá mức độ nguy cơ dịch để đưa ra phương án dạy học phù hợp; tiếp tục tăng cường rà soát, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân. Ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân. Soát xét lại tất cả các nội dung, nhất là liên quan đến các vướng mắc để sớm có báo cáo cụ thể với ban chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch để giảm số lượng ca nhiễm mới.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho rằng, thời gian gần đây, số lượng ca bệnh tăng nhanh, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có sự chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền ở các địa phương, đơn vị.
Chính vì vậy, thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, trong đó, nêu cao vai trò cấp ủy, người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu giảm số lượng F0.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng, địa phương. Trong đó, ngành y tế cần tập trung nâng cao năng lực điều trị cho các cơ sở y tế; xây dựng các phương án tiếp nhận, điều trị khi số lượng F0 tiếp tục gia tăng. Các huyện cần chủ động các nguồn lực để mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch trên địa bàn; phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể và các tổ tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch tại các thôn, tổ dân phố nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch; tiếp tục phát huy hiệu quả việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, tăng cường công tác rà soát, sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.