>> Bài 1: Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
>> Bài cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp, vững bước trên đường lớn
Dù đã có những bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp, song, về cơ bản, đồng ruộng vẫn còn manh mún, thiếu đồng nhất; tập quán canh tác của bà con nông dân đang quẩn quanh nông hộ, tự cung tự cấp. Thực trạng này không chỉ khiến quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất gặp khó khăn mà còn là rào cản trong thực hiện cuộc chuyển hóa từ tiểu nông lên sản xuất hàng hóa lớn, liên kết với doanh nghiệp.
Cánh đồng 65 ha ở thôn Phú Minh (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) sau khi thực hiện quá trình chuyển đổi đất như được thay áo mới. Những bờ thửa “con lươn” chạy quăn queo chia tách ô thửa thành những mảnh ruộng méo mó đã được xóa bỏ; những cồn đất gồ ghề, mồ mả cũng được cất bốc, san phẳng để hình thành cánh đồng lớn mênh mông, quy hoạch bài bản. Để có được kết quả này, toàn hệ thống chính trị của xã Kỳ Phú và thôn Phú Minh phải mất gần 3 tháng ròng, từ khảo sát, khoanh vùng, tập trung và chia ô thửa.
Nhiều thửa ruộng tại thôn Phú Minh (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) sau chuyển đổi, cốt đất chưa ổn định nên phải làm thủ công vì máy móc cỡ lớn khó tiếp cận .
Ông Nguyễn Quốc Việt - cán bộ khuyến nông xã Kỳ Phú cho biết: “Thôn Phú Minh có 65,12 ha sản xuất lúa với 280 hộ dân. Mục tiêu của xã là chuyển đổi ruộng đất, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con và giảm số thửa từ 1.680 xuống còn 116, bình quân khoảng 0,3 ha/thửa trở lên. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là tính chất ruộng bậc thang, có đến 67 hộ dân có ruộng nằm ở khu vực không thuận lợi, phần cao cạn thì khó khăn về nguồn nước, phần thấp trũng thì dễ ngập úng. Chúng tôi phải căn cơ tất cả các phương án, đảm bảo giải quyết hài hòa quyền lợi cho bà con, vừa thực hiện được tiêu chí tập trung ruộng đất, cải tạo mặt ruộng để người dân có thể bắt tay gieo cấy thuận lợi ngay từ vụ đầu tiên năm 2023”.
Xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) cũng là một trong những địa phương tốn nhiều chi phí cho cải tạo, san lấp mặt ruộng vì nhiều diện tích sản xuất không đồng đều về cốt đất.
Kết thúc đợt chuyển đổi vừa qua, chỉ có 1/3 số hộ được sử dụng 1 thửa, 2/3 số hộ còn lại là 2 thửa ở 2 vùng (1 thửa tại vùng thuận lợi và 1 thửa vùng cao cạn). Theo đó, địa phương này cũng mất khoảng 378 triệu đồng chi phí cho việc san ủi, cải tạo mặt ruộng. Thời điểm vào mùa vụ, xã phải bố trí các loại máy làm đất cỡ lớn để giải quyết sự cố ở những ruộng bị sụt lún do nền đất sau cải tạo chưa ổn định. Theo ông Việt, khó khăn này sẽ được cải thiện dần trong những mùa tiếp theo, song chi phí cho phần cải tạo trong những năm đầu khá lớn, vất vả cho cả chính quyền và người dân.
Khó khăn này cũng chính là “nút thắt” lớn nhất đối với các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Trong 13 huyện, thị, thành, Hương Khê và Vũ Quang là 2 địa phương đành chấp nhận… chậm “chuyến tàu” Nghị quyết 06-NQ/TU.
Đất màu xen đất lúa cũng là điểm khó của các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê… khi thực hiện phá vờ vùng bờ thửa, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.
Nhiều vùng ở Hương Khê vẫn phải thực hiện gặt tay thủ công hoặc sử dụng máy gặt cầm tay do đất đai manh mún, chia cắt vì địa hình và ruộng bậc thang nên máy gặt đập liên hợp không tiếp cận được đồng ruộng.
Huyện Hương Khê có diện tích sản xuất nông nghiệp gần 8.000 ha, trong đó, lúa (2 vụ) là 3.700 ha, còn lại là đất trồng màu. Cách đây ít năm, huyện đã thực hiện 2 lần chuyển đổi đất màu, mỗi hộ sở hữu khoảng 5-7 thửa; còn đất lúa thì chưa thể vì đất đai quá manh mún, chia cắt do địa hình có nhiều bất lợi.
Nhiều vùng sản xuất ở các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào làm đất, gieo cấy nên phải dùng trâu để cày.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ở Hương Khê, mỗi thửa ruộng lớn nhất rộng chỉ khoảng 2.000 m2, bé nhất có khi chưa đến vài trăm m2, chia cắt bởi khe suối, đồi núi. Điều đáng nói, do đặc điểm ruộng bậc thang, vào mùa gieo cấy, bà con nông dân phải đắp bờ cao mới giữ được nước để sản xuất. Muốn thực hiện được công tác chuyển đổi, tập trung ruộng đất và xây dựng cánh đồng lớn, trước hết phải cải tạo mặt ruộng. Hiện nay, chúng tôi đã ban hành kế hoạch chuyển đổi khoảng 1.000 ha, riêng trong năm 2023 này, phấn đấu khoảng 350 ha, chọn điểm thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau”.
Tại nhiều địa phương, những vùng ruộng nằm ở địa hình cao, cuối nguồn nước, gieo cấy còn gặp khó khăn.
Tại Vũ Quang, cuối năm 2022, xã Đức Liên quyết tâm chuyển đổi vài chục ha, song, do đất đai thiếu đồng nhất, việc quy hoạch, chia lại ruộng cho bà con gặp khó khăn nên… đành gác lại! Một số diện tích ở các xã Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên); Thạch Xuân (Thạch Hà)... đã thực hiện phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn được một thời gian nhưng những vùng ruộng nằm ở địa hình cao, cuối nguồn nước, gieo cấy còn gặp khó khăn. Thế nên, sau khâu làm đất lần cuối, người dân lại đắp bờ nhỏ quanh mặt ruộng để giữ nước. Đó là những khó khăn khách quan không dễ giải quyết của Hà Tĩnh trong cuộc cách mạng mới này.
5 huyện (Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn và Lộc Hà) đã có số liệu tổng hợp khối lượng đất phá bờ hơn 977.874 m3; đào đắp giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi 870.433,4 m3.
Theo tổng hợp từ Sở TN&MT, đến nay, có 5 huyện (Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn và Lộc Hà) đã có số liệu tổng hợp khối lượng đất phá bờ hơn 977.874 m3; đào đắp giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi 870.433,4 m3; xây mới giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi 107.441 km. Những con số đó minh chứng cho ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn và bà con nông dân trong việc nỗ lực đưa Nghị quyết 06-NQ/TU vào cuộc sống; song, cũng cho thấy khối lượng công việc, khó khăn trong giai đoạn đầu cải tạo, quy hoạch ruộng đất của các địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU cần tập trung quyết liệt hơn vì ở một số nơi vẫn chưa tạo được chuyển biến lớn trong nhận thức của Nhân dân.
Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, bên cạnh khó khăn do đồng ruộng thiếu đồng nhất, vấn đề mà các địa phương gặp phải còn ở công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ở một số nơi còn yếu, chưa tạo được chuyển biến lớn trong nhận thức của Nhân dân.
Quá trình xây dựng phương án ở cấp xã thiếu khách quan, chưa điều tra, khảo sát cụ thể nên gặp vướng về thực hiện quyền của người sử dụng đất như: chủ sở hữu không có mặt tại địa phương; xử lý phương án diện tích dôi dư sau phá bờ, di dời mồ mả, san lấp vũng bùn; hộ sử dụng đất trước năm 2014, đối tượng thừa kế...
Người dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) muốn thực hiện hình thức thuê đất để thuận lợi hơn trong sản xuất nhưng vẫn còn khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích nông nghiệp (Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ) cũng nảy sinh những bất cập, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện hình thức thuê đất, chuyển nhượng đất sau tập trung ruộng đất. Đặc biệt, quá trình lập dự toán theo chính sách hỗ trợ chuyển đổi chậm dẫn đến thời điểm này, chưa địa phương nào hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con nông dân.
Trên cả nước, tập trung, tích tụ ruộng đất chủ yếu được thực hiện theo 4 hình thức: các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hình thức HTX thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi thông qua hình thức cho thuê, chuyển nhượng đất; nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Đoàn công tác của tỉnh thăm và đánh giá mô hình sản xuất lúa theo quy trình tích tụ ruộng đất của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (ngày 11/5/2021). Đây là HTX đầu tiên thuê 27,9 ha đất sản xuất xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Cánh đồng sản xuất lớn đồng bộ về hạ tầng của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn.
Ở Hà Tĩnh, theo khảo sát, đến đầu năm 2023, trong số 8.554,4 ha đất nông nghiệp đã hoàn thành phá bờ thửa nhỏ, tập trung, tích tụ thì chỉ có 117,7 ha thực hiện cho thuê quyền sử dụng đất; có 50 ha (tại xã Vượng Lộc, Can Lộc) tập trung, tích tụ theo hình thức góp đất để hình thành HTX với 79 hộ dân tham gia; số còn lại đang chủ yếu thực hiện theo các mô hình liên kết một số khâu với doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân theo mùa vụ) hoặc chỉ là hình thức ghép ruộng để sản xuất 1 loại giống/cánh đồng nhưng nông dân vẫn tự cung, tự cấp và tự tiêu thụ (chiếm trên 95%).
Hiện nay, nông dân Hà Tĩnh vẫn tự cung, tự cấp và tự tiêu thụ là chủ yếu (chiếm khoảng 95%); hình thức liên kết hạn chế.
Trở lại câu chuyện của xã Thạch Hội (Thạch Hà), dù đã thực hiện thành công 100% diện tích (400 ha) tập trung ruộng đất, song, địa phương chỉ xây dựng được 1 mô hình liên kết sản xuất 34 ha theo hướng VietGap. Theo ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do khối lượng công việc của giai đoạn đầu tập trung, tích tụ đồng loạt, địa phương dồn sức cho việc cải tạo, chuyển đổi để giao ruộng kịp thời cho người dân sản xuất vụ xuân 2023 đúng thời vụ.
Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Thạch Hội chia sẻ với phóng viên về những khó khăn khi xây dựng mô hình liên kết sản xuất sau chuyển đổi ruộng đất.
Cùng đó, tập quán của bà con nông dân vẫn là sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ nên việc kết nối liên kết còn gặp khó khăn. “Trước mắt, xã mới triển khai 1 mô hình sản xuất tập trung theo hướng liên kết hàng hóa. Các diện tích còn lại, giao về các đơn vị thôn chỉ đạo sản xuất đảm bảo tập trung 1-2 giống/cánh đồng, còn kênh tiêu thụ thì đến thời điểm thu hoạch, bà con mới kết nối với các HTX, doanh nghiệp để bán sản phẩm. Hiện nay, xã mới có 1 HTX nông nghiệp nhưng chủ yếu chỉ phục vụ dịch vụ tưới tiêu, chưa đủ năng lực quản trị sản xuất, cơ sở vật chất, kết nối thị trường để thực hiện liên kết với các vùng sản xuất” - ông Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.
Theo số liệu điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản toàn tỉnh năm 2016, diện tích bình quân đất sản xuất nông nghiệp chỉ 3.030 m2/hộ, thấp hơn bình quân cả nước 1,91 lần (5.804,5 m2) và thấp hơn bình quân các tỉnh miền trung 0,75 lần.
Không riêng xã Thạch Hội, sản xuất quy mô nhỏ, nông hộ là thực trạng chung của nông nghiệp toàn tỉnh. Do bình quân diện tích canh tác mỗi hộ nhỏ, sản lượng thấp nên sản xuất mới chủ yếu đảm bảo lương thực sử dụng. Theo số liệu điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản toàn tỉnh năm 2016, diện tích bình quân đất sản xuất nông nghiệp chỉ 3.030 m2/hộ, thấp hơn bình quân cả nước 1,91 lần (5.804,5 m2) và thấp hơn bình quân các tỉnh miền Trung 0,75 lần; đất trồng cây hằng năm bình quân trên hộ là 2.775,4 m2/hộ, thấp hơn bình quân cả nước 0,6 lần (4.466,3 m2) và các tỉnh miền Trung là 0,82 lần. Cũng dễ hiểu, bởi Hà Tĩnh nằm ở vùng khí hậu khắc nghiệt, luôn chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, người nông dân đã “ăn sâu” lối sản xuất tiểu nông, dự trữ lương thực và giữ ruộng sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Nền sản xuất tự cung, tự cấp khiến các hình thức sản xuất tập trung, tích tụ theo hàng hóa như: góp đất, cho thuê, chuyển nhượng đất gặp khó khăn, trong khi đó, các chủ thể kinh tế tập thể (tổ hợp tác, HTX) phần lớn còn hoạt động kém hiệu quả nên chưa thể đóng vai trò làm “đầu kéo” cho kinh tế nông thôn và trở thành đầu mối kết nối với doanh nghiệp. Do vậy, các liên kết gần như rất lỏng lẻo, chưa thu hút được sự đầu tư lâu dài. Nguyên nhân còn có một phần do Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức tích tụ đất nông nghiệp (chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất); đối tượng chuyển nhượng chỉ được áp dụng cho người sản xuất trực tiếp nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi nghề cho nông dân còn chậm, số lượng người dân phụ thuộc vào nông nghiệp khá lớn nên quá trình chuyển đổi nhận thức và tổ chức sản xuất cũng chậm hơn”.
Khó khăn khi liên kết tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH KC Hà Tĩnh chủ yếu tìm đến các tỉnh phía Nam để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất.
Công ty TNHH KC Hà Tĩnh hiện là một trong số ít doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo lớn nhất tỉnh và có 1 sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP 4 sao. Vào lúc cao điểm nhất, diện tích liên kết đầu vào nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo tại Hà Tĩnh lên trên 1.000 ha, song, vụ xuân 2023, chỉ còn gần 300 ha.
“Hằng năm, trước mỗi vụ sản xuất, chúng tôi đều đặt vấn đề với các địa phương để liên kết sản xuất lúa ở các cánh đồng tập trung theo đơn đặt hàng để làm vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Tuy nhiên, diện tích liên kết không ổn định vì chủ thể sản xuất nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Rất nhiều năm, chúng tôi đã phải đối mặt với tình trạng đến kỳ thu mua nhưng người dân không đồng ý bán lúa vì muôn vàn lý do: lúa để lại ăn; bán ra ngoài cho tiểu thương để được giá cao hơn... Điều này gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để mở rộng vùng nguyên liệu, chúng tôi đã đặt vấn đề thuê đất ở một số vùng sản xuất tại huyện Đức Thọ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thành công. Đơn vị đành mở rộng vùng liên kết ở các tỉnh phía Nam để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc công ty cho biết.
Theo thống kê, mỗi vụ, có đến hàng chục công ty giống vào địa bàn, cung ứng khoảng 1.000 tấn giống, song, số có liên kết sản xuất cánh đồng lớn chủ yếu lại chỉ ở khâu cung ứng vật tư như giống, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc sản xuất...
Đã thế, số doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết theo đơn đặt hàng như KC Hà Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê, mỗi vụ, có đến hàng chục công ty giống vào địa bàn, cung ứng khoảng 1.000 tấn giống, song, số có liên kết sản xuất cánh đồng lớn chủ yếu chỉ ở khâu cung ứng vật tư. Việc thu mua sản phẩm cuối vụ gần như chỉ mang tính thời vụ, không ràng buộc rõ ràng. Đó là lý do khiến người nông dân chưa đủ tin tưởng mối liên kết này, thậm chí sẵn sàng trở lại lối sản xuất tùy tiện, nhiều giống trên cánh đồng quy hoạch tập trung khi chính sách hỗ trợ giống mới xây dựng cánh đồng lớn của địa phương không còn.
Hà Tĩnh đang thiếu các các tổ hợp tác, HTX - chủ sở hữu đại diện nông dân đứng ra liên kết với doanh nghiệp và chỉ đạo lại sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trong ảnh : HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (xã Vượng Lộc) trao đổi với các thành viên HTX về sản xuất lúa trên cánh đồng lớn để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Nhìn thẳng vào sự thật, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoại tỉnh không xem Hà Tĩnh là vùng nguyên liệu lúa gạo mà chỉ là thị trường cung ứng; còn sản xuất của tỉnh thì đang thiếu chủ thể hàng hóa thực sự, chính là các tổ hợp tác, HTX - chủ sở hữu đại diện nông dân đứng ra liên kết với doanh nghiệp và chỉ đạo sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đó là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để Nghị quyết 06-NQ/TU từng bước đi vào chiều sâu và thực chất, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún nhằm thực hiện bước chuyển đổi trong sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng năng suất, sức cạnh tranh và trên hết là tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thiết kế: Thanh Hà
(Còn nữa)
>> Bài 1: Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
>> Bài cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp, vững bước trên đường lớn