Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: internet)
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo lớn (chiều dài 18 km, chiều rộng từ 6 - 8 km), ở tận cùng miền Tây Bắc của đất nước, dưới những rặng núi cao hùng vĩ của biên giới Việt - Lào. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km, Điện Biên Phủ từng là chiến trường nóng bỏng, nhiều phen phơi xác quân thù.
Từ buổi đầu khi thực dân Pháp đến, rồi đến phát xít Nhật sang xâm lược đất nước ta, chúng đều để ý tới Điện Biên Phủ và đã nhiều lần cho quân chiếm đóng ở đây. Nhân dân Điện Biên Phủ lại vùng lên đánh đuổi bọn giặc cướp nước, bảo vệ vững chắc quê hương.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập nhưng người dân Điện Biên vẫn nằm trong nanh vuốt kẻ địch. Song, họ cùng nhân dân cả nước kiên cường chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.
Đội pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Tĩnh cùng với Thanh Hóa và Nghệ An hợp thành hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, trong đó, Hà Tĩnh là tuyến đầu, là hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường Quảng Trị và Trung Hạ Lào là chủ yếu. Sau chiến thắng Trung Lào, cùng với nhân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh tiếp tục triển khai nhiều mặt công tác chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”.
Đúng ngày mồng một Tết Nguyên đán năm 1954, gần 2 vạn dân công, tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật ngành cơ khí, quân giới Hà Tĩnh đã nô nức lên đường ra mặt trận cùng 780 xe đạp thồ, 60 chiếc thuyền và nhiều phương tiện, dụng cụ khác. Có gia đình cả cha con, dâu rể cùng ra tiền tuyến, nhiều thanh niên chưa đến tuổi tòng quân đã hăng hái tình nguyện gia nhập quân đội. Nhiều cụ già trên 60 tuổi và các chị phụ nữ cũng đăng ký xung phong ra mặt trận.
Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Những ngày đầu xuân 1954, trên khắp mọi nẻo đường quê hương Hà Tĩnh, đâu đâu cũng thấy băng cờ khẩu hiệu. Tất cả mọi tầng lớp nhân dân từ già, trẻ, gái trai đều hướng về Điện Biên Phủ. Những người ra mặt trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu hứa hẹn lập công. Những người ở lại vừa động viên người ra đi, vừa ra sức thi đua sản xuất để cung cấp thật nhiều cho tiền tuyến.
Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp trên 1.000 tấn thóc, 200 kg thuốc lào, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá và nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt của chiến sĩ ngoài mặt trận. Hàng ngàn lá thư từ hậu phương là những món ăn tinh thần rất quý cũng được gửi đến tận tay các chiến sĩ Điện Biên Phủ, góp phần cổ vũ, động viên và làm tăng thêm nghị lực, tinh thần cho các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Cuộc chiến đấu trên các hướng tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Tiểu đoàn 400 (đơn vị bộ đội tập trung đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập cuối năm 1945, sau đó đổi tên thành Tiểu đoàn 418; tham gia chiến đấu đánh địch tại Hồng Cúm) cùng nhiều con em Hà Tĩnh chiến đấu ở các đơn vị khác đã phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Xô viết, liên tiếp lập công tại các trận đánh then chốt. Tiểu đoàn 400 là một trong những đơn vị đánh vây lấn tốt nhất, được bộ chỉ huy chiến dịch tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Trong suốt thời gian chiến dịch, nhiều con em quê hương Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, dám hy sinh vì sự thắng lợi của trận đánh, tiêu biểu có Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh