Tháng Năm, trời nắng đến cháy da, từng cơn gió Lào thổi tới làm người ta nóng rát hết cả hai má. Đến gần trưa, chị em tôi mới từ trường về. Vào nhà, ngồi nghỉ chưa ráo mồ hôi, hai đứa đã lôi giấy khen ra ngắm nghía. Mùi mực in vẫn còn thoang thoảng trên trang giấy. Em gái tôi cứ háo hức chờ đến lúc mẹ về để khoe thành tích. Chắc mẹ sẽ vui lắm!
Nhưng mẹ đi làm cách nhà hơn chục cây số, đến tận chiều tối mới về. Từ giữa trưa đến cuối buổi chiều sao thời gian trôi lâu đến thế. Nắng tắt, em gái tôi kéo cây chổi rễ to ra quét sân. Cứ nghe thấy tiếng xe máy, nó lại ngó ra cổng. Âm thanh ầm ì của động cơ cứ thế xa dần, để lại đôi mắt buồn trên gương mặt con bé. Cơm nước đã nấu xong xuôi, hai chị em vừa xem phim, vừa đợi mẹ. Chương trình thời sự buổi tối sắp hết, mà cũng chẳng thấy mẹ đâu...
Cuối cùng chúng tôi cũng đợi được mẹ về. Mẹ vừa mới dắt xe vào nhà, đứa em lém lỉnh nhanh nhảu cất áo, cất mũ rồi giục mẹ ngồi xuống ghế. Mẹ vừa mới uống xong cốc nước, nó đã chạy lên nhà, lấy ngay hai tấm giấy khen ban sáng ra để khoe. Tôi và mẹ phì cười vì sự láu lỉnh của cô bé út. Nó biết, cả nhà đang cười mình, nhưng đang mải đợi mẹ khen nên chẳng thèm để ý.
Trẻ con chẳng cần gì nhiều, một khoảng sân nhỏ với dăm ba người bạn cũng đủ vui rồi. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô. |
Ăn cơm xong, mẹ lấy một đồng tiền còn mới cứng trong túi, đưa cho hai chị em, dặn này mai đi ép giấy khen, số tiền còn thừa có thể mua kem ăn cho đỡ thèm. Nghĩ đến ngày mai được ra ngã tư thị trấn ăn kem thỏa thích, em gái tôi vui lắm, nụ cười còn theo nó vào giấc ngủ.
Nói là được ăn kem thỏa thích, nhưng mỗi đứa chỉ ăn đến que thứ 2 là hết tiền. Tôi đang định đứng dậy mua thêm kem thì cô em ngăn lại. Nó bảo: “Chị để tiền đó tí nữa mua cho mẹ gói dừa khô, em định mua kem phần mẹ, nhưng đâu có mang được về đến nhà”. Tôi nhìn nó khẽ cười, và chợt nghĩ không biết ai mới là trẻ con.
Mẹ nói mấy bữa nữa sẽ cho hai chị em đến cơ quan mẹ để liên hoan 1- 6 với các bạn. Nghe thấy thế, em gái tôi hào hứng lắm. Mọi năm, nó chỉ đến ăn bánh kẹo rồi chơi đùa với bọn tôi. Nhưng năm nay lại khác, con bé sẽ được nhận phần thưởng như các anh, các chị.
Từ sáng sớm, mẹ gọi hai đứa dậy, chuẩn bị ăn uống rồi cùng mẹ đi làm. Đường vừa xa, lại đầy ổ gà, ổ trâu, mới đi chưa đến nửa đường, hai chị em đã thấy ê hết cả mông. Thế mới biết ngày thường mẹ vất vả thế nào. Hai bên đường khi ấy vẫn còn là cánh đồng. Đang mùa gặt, nên từ sáng sớm đã thấy tiếng cười nói rộn ràng. Mùi thơm của lúa chín dâng lên quyện với cái hương ngai ngái của đất ẩm.
Chị em tôi cứ tưởng mình đến sớm lắm, kiểu gì cũng chẳng có ai chơi cùng. Thế mà hội thằng Hưng, thằng Phát, cái Hương đã đến rồi, mấy đứa vừa vẫy tay chào nhau vừa… ngáp ngủ. Được đến cơ quan mẹ nhận phần thưởng thì đứa nào chả thích, nhưng phải dậy sớm cũng ngại phết chứ chẳng đùa. Đến trưa mới bắt đầu liên hoan, thế nên cả buổi sáng bọn trẻ con từ lớn đến bé, tha thẩn chơi quanh nhà máy gạch. Mấy cô bác thấy thế liền cười bảo: “Mai này mở thêm nhà trẻ ở đây cũng tiện nhỉ!”.
Ở sân trước của nhà máy, có mấy cây trứng cá rất to, quả đỏ mọng. Thế nhưng, cả đám chỉ dám đứng ở dưới gốc nhìn lên thèm thuồng, như con cáo ngơ ngẩn ngắm chùm nho . Hóa ra, từ tối hôm trước, đứa nào cũng được dặn dò những câu quen thuộc, của mọi ông bố bà mẹ trên đời: “Đến cơ quan bố mẹ là phải ngoan!”. Thảo nào, đứa ngày thường nghịch hơn quỷ như thằng Phát, hôm nay còn hiền lành hơn con gái.
Tán cây trứng cá già đã chứng kiến bao nụ cười con trẻ. |
Cả đám, đang đứng ngẩn ngơ tiếc rẻ, chợt bác Tú bảo vệ đi qua, cười xòa: “Mấy đứa này thích ăn trứng cá, mà không dám hái à? Hôm nay mùng 1-6, chẳng mấy khi chúng mày lên đây! Để bác hái cho”.
Cả bọn chỉ chờ có thế là vỗ tay reo hò. Chờ cả buổi sáng, cuối cùng cũng đến phần liên hoan. Phần thưởng thì ngoài sách vở, đám trẻ con có được giữ thêm gì nữa đâu. Ông bố, bà mẹ nào cũng có một câu quen thuộc: “Trẻ con thì tiêu tiền làm sao được? Để mẹ giữ cho”. Thế nên, phần thưởng nhiều hay ít, với chúng tôi cũng chẳng có gì là quan trọng. Mấy đứa chỉ háo hức chờ đến phần liên hoan thôi.
Tết Thiếu nhi ở cơ quan bố mẹ là một dịp để uống nước ngọt và ăn bánh kẹo thoải mái. Ngày thường, nhà nào cũng phải co kéo đồng ra, đồng vào; nên chuyện ăn quà thỏa thích với lũ trẻ con chắc chỉ có trong mơ. Nhưng đến cơ quan bố mẹ dự 1-6 thì lại khác, ngày hôm ấy như một nữa tiệc với đám con nít.
Cái thuở hồn nhiên ấy giờ chỉ còn là kỉ niệm. |
Thằng Hưng vốn hơi đẫy đà, nên thường ngày bị mẹ nó kiểm soát chuyện ăn uống gắt gao lắm. Thằng bé kể: một năm nó chỉ có 4 dịp để uống nước ngọt thỏa thích, đó là: ngày Tết, sang bên nội và bên ngoại ăn giỗ và đến nhà máy của bố dự 1-6. Nghe đến đây, người lớn ai cũng phì cười.
Mới đó mà đã mười mấy năm trôi qua, nhà máy gạch nơi mẹ vẫn làm việc đã không còn tiếng chúng tôi cười đùa mỗi dịp hè về. Đám trẻ con ngày xưa giờ đã lớn, có đứa còn lập gia đình và sinh con. Những ông bố, bà mẹ cũng già đi nhiều, tóc phai màu hoa râm. Thi thoảng, nếu có dịp ngồi lại cùng nhau, cứ thế hồn nhiên cả đám kể về những câu chuyện cũ, những buổi liên hoan đầy niềm vui bé dại.