Mùa đông Hà Nội. Ảnh Internet
Khoác thêm chiếc áo lạnh, nó kéo cửa phòng lại rồi đi ra ngoài. Trùm chiếc mũ của áo khoác lên kín đầu, đôi tay đút vào túi áo, Thanh bước chầm chậm trên con đường nhỏ trong khu phố mình trọ. Đặt chân đến tỉnh Gunma đã gần hai năm, chính xác là mười tám tháng ba ngày nhưng Thanh chưa bao giờ đi hết cái tỉnh nhỏ bé này của Nhật Bản.
Ngày còn ở nhà, Thanh khao khát được một lần đến với xứ sở mặt trời mọc. Nhưng khi đến rồi thì ngoài giờ đi làm, Thanh lại ngồi trong phòng trọ với bao nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Trời lạnh, nhìn làn khói mỏng bay ra từ hơi thở, Thanh nhớ cái lạnh ở quê nhà. Nhớ cái lạnh mùa đông mang theo sự khô hanh, nứt nẻ. Ngày xưa Thanh ghét mùa đông. Lúc nào cũng phải chui trong mấy lớp quần áo dày cộm mà vẫn cóng hết người, các ngón chân, ngón tay tê cứng, có khi đỏ ửng lên. Buổi tối, bao giờ Thanh cũng chờ chị Minh và mẹ lên nằm ấm giường chiếu, chăn gối rồi nó mới chui vào nằm chen giữa hai người. Nó nghịch ngợm đưa đôi tay lạnh cóng luồn vào người chị khiến chị run bắn, chị thét lên, rồi sẽ ôm chặt tay nó trong người ủ ấm. Chị đi lấy chồng khi nó vừa hết cấp ba.
Thanh học xong cao đẳng, ở quê khó xin việc nên nó xin bố mẹ cho đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu, bố mẹ nó không đồng ý, sợ con gái mới lớn, xa nhà khổ; đi sang nước người, biết như thế nào. Với lại, đi xuất khẩu lao động phải nộp trước cả trăm triệu, nhà không có, lấy đâu ra. Thanh mỉm cười nhớ đến khuôn mặt đăm chiêu của bố khi quyết định đi hỏi vay mượn họ hàng, anh em để lấy tiền cho con đi làm ở Nhật, rồi cách mẹ ôm Thanh vừa cười, vừa chảy nước mắt khi nghe con nói rành rõi một tràng tiếng Nhật. Mẹ dặn:
- Sang đó, nhớ giữ gìn sức khỏe nha con. Phải biết tiết kiệm nữa, được bao nhiêu, gửi về mẹ giữ cho sau này về còn có cái vốn mà làm ăn, nhá!
Trừ các khoản ăn uống, chi tiêu, nhà trọ thì tiền lương mỗi tháng Thanh để dành được tầm 15-16 man. Tính ra cũng trên dưới ba mươi triệu tiền Việt Nam. Hàng tháng nhận được lương là nó lo gửi về cho mẹ. Sáu tháng mẹ đã trả hết khoản nợ hơn trăm triệu vay mượn cho nó đi. Rồi bố sửa lại được ngôi nhà cho khang trang hơn, xây được cái tường bao quanh vườn thay thế đám cây cúc tần, thèn đen chẳng khi nào ngăn được lũ gà nhà hàng xóm sang bới tung luống rau của mẹ.
Chị Minh đi mua cho bố mẹ chiếc điện thoại thông minh, lập facebook để bố mẹ có thể thường xuyên gọi điện nói chuyện, nhìn mặt Thanh xem gầy béo ra sao. Thế thôi mà cũng hết một năm đi làm của nó. Còn lại mẹ bảo: Để giữ cho Thanh làm của hồi môn khi đi lấy chồng.
Còn năm rưỡi nữa Thanh hết hợp đồng lao động. Nó mong thời gian trôi thật mau. Nghĩ đến lúc được về lại quê nhà, trong lòng nó lại run lên hồi hộp. Thanh hít một hơi thật sâu để cố định nhịp đập của con tim. Nó rút hai tay ra khỏi túi áo khoác, chụm vào úp khum khum trên miệng và mũi để cảm nhận hơi ấm được phả ra từ hơi thở. Ngày ở quê, mùa đông, Thanh và chị Minh hay làm thế.
Thanh giật mình, nó đã đi bộ khá xa, loanh quanh vậy mà đã ra gần đại lộ dẫn tới công viên. Băng qua con đường lớn này thôi là đến. Thường chủ nhật cuối mỗi tháng, Thanh và mấy bạn đồng hương hay rủ nhau đến công viên chơi. Ở đây không khí trong lành lắm, có nhiều người Nhật cũng đến chơi, chủ yếu là người già. Đây là cơ hội để bọn Thanh mở mang vốn tiếng Nhật khi trò chuyện với họ.
- Konnichiwa onnanoko! (Chào cô bé!).
Thanh giật mình nhìn sang. Một bà cụ nhẹ nắm lấy tay Thanh cười và chào nó. Nó hiểu ý, cúi đầu chào lại bà. Xe trên đường dừng đèn đỏ. Nó dắt tay bà cụ sang bên kia. Mà không, là bà cụ dắt nó mới đúng. Tự nhiên nó cảm giác thật ấm áp. Sang đến nơi, bà cụ nhìn nó cười tươi:
- Kanojo no ie wa asoko ni arimasu. Arigatou! (Nhà bà ở đằng kia. Cảm ơn cháu!)
- Douita shimashite! (Không có gì ạ!)
Thanh nhìn theo hướng tay bà cụ chỉ, cúi đầu chào bà rồi đi về phía công viên.
Tết quê. Ảnh Internet
Chỉ còn ba ngày nữa là bước sang năm mới, ở quê nhà, không khí tết đã nhộn nhịp lắm rồi. Từ giữa tháng Chạp, các hàng quán đã bày bán cơ man nào là kẹo bánh, mứt, nước ngọt. Các loại hoa, tranh trang trí nhà cửa được bày bán khắp nơi. Năm nào nhà Thanh cũng gói bánh chưng từ tối hai tám. Ngày còn ở nhà, Thanh luôn được bố giao nhiệm vụ cắt lá dong, rửa lá và lau cho khô. Rồi cả ngày hai chín, vừa trông nồi bánh chưng, Thanh và chị Minh sẽ cùng mẹ làm kẹo lạc, chè lam để ăn lai rai mấy ngày tết. Nói đến món chè lam, tự nhiên nó nuốt nước miếng đánh ực. Nó khoái vị ngọt của mật mía quyện với mùi thơm cay cay của gừng, vị béo bùi của lạc rang và gạo nếp trong từng miếng chè. Giờ này chắc mẹ đang vừa trông nồi bánh, vừa rang lạc, bố sẽ lau dọn đồ đạc, nhà cửa. Nó cầm máy gọi messenger cho bố.
- Đây rồi! Cả nhà đang định gọi cho dì đây. Chào dì đi con! Dì Thanh nhà mình đấy.
- Chị! Hai mẹ con sang bao giờ thế?
- Từ tối qua cơ. Sang gói bánh với ông bà, năm nay chị gói cùng mẹ luôn. Tiện luộc một thể.
Chị Minh vừa nói, vừa quay cho Thanh nhìn khung cảnh sân vườn, nhà cửa. Chậu quất sai trĩu quả đã chín vàng được đặt ngay chỗ bậc tam cấp đi vào nhà. Bé con chị Minh chạy ton ton theo chân mẹ nó vào bếp gọi toáng lên:
- Bà ngoại ơi, dì Thanh!
- Mẹ đang nấu chè đây. Thế hôm nay được nghỉ hở?
- Vâng. Nay con được nghỉ mẹ ạ.
- Sao mới mấy hôm mà mẹ thấy mày gầy đi vậy?
- Đâu mà. Con vẫn thế. Tự nhiên con thèm món chè lam mẹ nấu quá đây.
- Này, mẹ bảo nhá, làm gì thì làm, vẫn phải giữ sức khỏe nghe chưa. Tiết kiệm là tốt nhưng phải ăn uống cho đầy đủ, cẩn thận. Không có tham việc, tăng ca tăng kíp nhiều rồi lăn ra ốm, chẳng bõ. Xa nhà, phải tự biết chăm sóc bản thân đấy. Nhìn cái mặt rõ gầy đi mà bảo vẫn thế.
- Con vẫn thế thật mà. Tại nhớ mẹ đấy.
- Bố cô, chỉ được cái dẻo miệng.
Hoa đào nở rộ. Ảnh Internet
Mẹ vừa làm, vừa nói chuyện với Thanh và chị Minh. Tiếng bố vang vang:
- Ở bên đó năm nay có tổ chức ăn tết không con?
- Bố đi đâu về đấy ạ? Cũng như mọi năm bố ạ. Tối ba mươi anh em người Việt ở đây sẽ tổ chức gặp mặt, chúc tết nhau.
- Ờ, xa quê, như vậy cũng vui. Bố vừa sang nhà bác Tấn xin cành đào về cắm cho đẹp. Này, thấy chưa? Đẹp chưa? Vừa có hoa, vừa có nụ, lại có cả lộc non nữa.
Bố chìa cành đào qua camera cho Thanh nhìn. Một vài bông hoa đã nở phơn phớt đỏ, nụ hoa xếp đầy cành chen lẫn những chồi non đang nhú. Bố sẽ cắm cành đào đó vào chiếc lộc bình trên tủ thờ, rồi quấn sợi dây đèn nhấp nháy lên để trang trí.
Chào bố mẹ và chị Minh, Thanh tắt máy, đi thong dong ngắm nhìn hoa lá trong công viên. Nghĩ đến sắp được huyên thuyên đủ chuyện với anh em đồng hương vào tối ba mươi, nghĩ đến ngày trở lại quê hương, Thanh mỉm cười. Một cảm giác ấm áp cứ dâng lên, lan tỏa trong lòng Thanh dù bên ngoài trời đang rất lạnh.