Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Theo Tạp chí Phố Wall, Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ đàm phán về một tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên hồi năm 1950-1953 vốn tạm dừng chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
Lãnh đạo Hàn – Triều gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4. (Ảnh: INTER-KOREAN SUMMIT PRESS CORPS) |
Triều Tiên lâu nay vẫn coi một thỏa thuận hòa bình lâu dài là chỉ dấu quan trọng cho việc Washington chấm dứt "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng – và một bước hướng tới việc Washington phải rút các lực lượng khỏi Hàn Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, đổi lại, phía đoàn Hàn Quốc sẽ thúc ép chính quyền Kim Jong Un thống kê chi tiết chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này – điều mà Triều Tiên chưa bao giờ muốn thực hiện.
Hai ông Moon và Kim đã gặp nhau 2 lần, hồi tháng 4 và tháng 5. Tại hội nghị tháng 5, hai bên đã đảm bảo một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự kiện lịch sử này sau đó diễn ra ngày 12/6 ở Singapore.
Giờ đây, tại hội nghị liên Triều lần 3 ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ đối mặt thêm một thách thức nữa vô cùng phức tạp: Đạt được một điều gì đó thực tế và vượt xa những tuyên bố mơ hồ trước đây về phi hạt nhân hóa và giúp đối thoại Mỹ - Triều trở lại đường ray.
Đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã sa lầy trong những tuần gần đây. Tình trạng này làm dấy lên nghi ngờ liệu ông Kim Jong Un có thực sự muốn từ bỏ kho hạt nhân và gây sức ép để Tổng thống Hàn Quốc làm trung gian đưa tiến trình đối thoại Mỹ - Triều trở lại.
Hồi tháng 8, bất đồng đã khiến Tổng thống Trump hủy chuyến thăm đã định của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên. Sau chuyến công du của ông Pompeo trước đó, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đưa ra những yêu sách "đơn phương và kiểu xã hội đen" về giải giáp hạt nhân.
Hãng tin AP nhận định, dù ông Moon có thành công hay không thì hội nghị liên Triều lần 3 sẽ giúp giải đáp một câu hỏi tồn tại đã lâu: Khi Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố ủng hộ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" thì ông thực sự muốn gì?
"Hội nghị lần 3 sẽ làm rõ hơn ý định của Triều Tiên về giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Nếu miền Bắc đàm phán thiện chí vào lúc này thì ông Moon sẽ có thể trở về với kết quả tốt đẹp. Nhưng, tôi thấy khả năng này rất thấp", AP dẫn lời Kim Taewoo – Cựu Chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc – bình luận.
Tổng thống Hàn Quốc muốn giữ cho ngoại giao hạt nhân được tiếp tục, không chỉ nhằm xoa dịu căng thẳng mà còn thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng của ông là ràng buộc với Triều Tiên, bao gồm các dự án kinh tế chung và nối lại các tuyến đường sắt cũng như đường bộ liên Triều.