Theo thống kê của Huyện đoàn Vũ Quang, năm 2018, thu nhập bình quân của mỗi mô hình trồng cam đạt từ 100 - 400 triệu đồng. Cam được trồng nhiều ở các xã Hương Minh, Hương Thọ, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Liên.
Mô hình cam VietGap của anh Nguyễn Tiến Hoàng - Phó Bí thư Đoàn xã Đức Lĩnh
Năm 2019, diện tích cam ở các mô hình tiếp tục tăng lên khoảng 15 ha, dự kiến thu nhập cũng tăng đáng kể.
Phần lớn các mô hình trồng cam đều xác định theo quy trình VietGap, hướng đến sản phẩm sạch. Để nâng cao năng suất, hiệu quả cho cây cam, nhiều thanh niên còn ứng dụng KHKT như hệ thống tưới nhỏ giọt, thắp đèn đuổi côn trùng gây hại...
Cam đang được thanh niên Vũ Quang trồng theo hướng VietGap, sản phẩm sạch
Hiện toàn huyện đã có 5 mô hình thanh niên trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGap, 1 mô hình được chọn là 1 trong 10 sản phẩm OCOP chỉ đạo điểm của tỉnh thuộc đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”.
Anh Đoàn Ngọc Bảo (xã Hương Thọ) với sản phẩm cam được chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh
Toàn huyện đã thành lập 3 tổ hợp tác cam thanh niên, mỗi tổ hợp tác dao động từ 6 - 15 thành viên. Tổ hợp tác đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, huy động nguồn lực cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong sản xuất cho các mô hình kinh tế thanh niên.
Toàn huyện có 3 tổ hợp tác cam thanh niên
Thời gian tới, Huyện đoàn Vũ Quang tiếp tục vận động, hỗ trợ thanh niên phát triển diện tích cây cam và thành lập mới các câu lạc bộ, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế.
Cùng với việc trồng cam, khuyến khích thanh niên kết hợp mô hình vườn rừng, chăn nuôi bò, lợn, gà... nhằm phát huy tối đa lợi thế địa phương.