Xưởng quảng cáo và nội thất Gia Huy do đoàn viên Phạm Văn Nam (Xuân Viên, Nghi Xuân) làm chủ. Trong ảnh: Các thành viên CLB Thanh niên khởi nghiệp tham quan xưởng sản xuất của anh Phạm Văn Nam.
Những ngày này, đoàn viên Phạm Văn Nam (SN 1990, ở thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, Nghi Xuân) đang phấn khởi chuẩn bị công tác cho lễ ra mắt Xưởng quảng cáo và nội thất Gia Huy, chuyên về tư vấn, thiết kế, thi công các công trình quảng cáo, cửa hàng, nhà ở...
Anh Nam cho biết: “Trong thời gian học việc và làm việc ở Đà Nẵng, tôi vẫn thường theo dõi tình hình phát triển ở quê nhà, nhất là phong trào thanh niên khởi nghiệp. Tháng 7/2021, tôi quyết định trở về quê hương và xác định lập nghiệp lâu dài trên quê hương”.
Sau 1 năm xây dựng mô hình, anh Phạm Văn Nam vừa xin gia nhập CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân.
Anh Phạm Văn Nam từng tốt nghiệp Khoa Thiết kế nội thất (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) và có thời gian 8 năm vừa đi làm thuê vừa tự mở xưởng quảng cáo và thiết kế nội thất tại TP Đà Nẵng. Sau khi trở về, với sự ủng hộ của gia đình và Đoàn thanh niên xã, anh quyết định mở xưởng chuyên về quảng cáo và thiết kế nội thất tại xã Xuân Viên. Với quy mô đầu tư ban đầu 500 triệu đồng sắm máy móc, thiết bị sản xuất, sau 1 năm hoạt động (từ tháng 8/2021-9/2022), xưởng sản xuất của anh đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng. Ngoài mang lại thu nhập cho bản thân khoảng 300 triệu đồng/năm, xưởng của anh còn tạo công ăn việc làm cho 3 ĐVTN trong xã, với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng.
Với kiến thức được đạo tạo bài bản ở trường đại học và nhiều năm làm việc ở TP Đà Nẵng, Phạm Văn Nam mong muốn trở về quê hương lập nghiệp lâu dài.
Cùng với Phạm Văn Nam, thời điểm này, Võ Văn Anh (SN 1994, tại xã Xuân viên) cũng đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa Công ty TNHH Nước khoáng đóng chai Hùng Anh với vốn đầu tư 800 triệu đồng do anh làm chủ chính thức đi vào hoạt động. Võ Văn Anh từng tốt nghiệp Khoa Xây dựng (Trường Đại học Vinh), từ năm 2017 đến nay là Bí thư Chi đoàn thôn Cát Thủy (Xuân Viên).
Phạm Văn Nam và Võ Văn Anh là 2 trong nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Nghi Xuân biến ước mơ khởi nghiệp trên quê hương thành hiện thực. Theo báo cáo của Huyện đoàn Nghi Xuân, chỉ từ đầu năm 2022 tới nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã có 12 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN được ra mắt, với quy mô vốn đầu tư ban đầu của mỗi mô hình từ 200 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng.
Lễ ra mắt mô hình thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh thiết bị chăm sóc sức khỏe, đồ nội thất tại xã Cương Gián,dịp tháng 8/2022.
Không chỉ có mức đầu tư khá lớn, có thời gian hoạt động thử nghiệm ban đầu hiệu quả, các mô hình còn có sự đa dạng về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, như: mô hình sản xuất đồ trang trí nội thất, mô hình kinh doanh thiết bị vệ sinh, mô hình Trung tâm Anh ngữ... Để phong trào khởi nghiệp của ĐVTN lan tỏa mạnh mẽ, Huyện đoàn Nghi Xuân đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc hỗ trợ các mô hình và tạo ra nhiều sân chơi bổ ích giúp ĐVTN tham gia khởi nghiệp. Trong đó, sự ra đời của câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp từ tháng 10/2021 đã cổ vũ phong trào trở nên sôi nổi.
Anh Lê Văn Dương (Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân) cho biết: “Thời điểm thành lập, CLB của chúng tôi có 25 thành viên đến nay đã tăng lên 37 thành viên. Tất cả đều là những người trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp và là chủ các mô hình sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung một chí hướng quyết tâm làm giàu trên quê hương”.
Mô hình sản xuất dưa lưới đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của anh Nguyễn Văn Khoái (người ngoài cùng) ở thị trấn Xuân An, thành viên CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân.
Với mục đích tập hợp các thanh niên là chủ các mô hình kinh tế vào tổ chức, tạo sự đoàn kết, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, trong 1 năm qua, CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân đã trở thành sân chơi, diễn đàn bổ ích, thu hút sự quan tâm của nhiều ĐVTN có chí hướng khởi nghiệp tham gia.
Bên cạnh sinh hoạt định kỳ 1 tháng/1 lần, CLB còn tổ chức các buổi tham quan mô hình để học tập lẫn nhau. Đặc biệt, với sự điều hành của Ban chấp hành Huyện đoàn, CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân còn lập nhóm kết nối trên mạng xã hội để thường xuyên trao đổi, chia sẻ những băn khoăn, khó khăn cần được hỗ trợ... Từ đó, hoạt động của CLB trở nên thiết thực, ý nghĩa đối với mỗi thành viên.
Các thành viên CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình kinh tế.
Anh Trịnh Minh Chúc - chủ xưởng sản xuất nhôm kính và nội thất tại xã Xuân Yên- thành viên CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân bày tỏ: “Ngoài cùng đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế cho bản thân, một trong những mục tiêu mà các thành viên CLB chúng tôi hướng đến là thu hút, tạo công ăn việc làm cho những thanh niên thất nghiệp tại địa phương mình. Điều này chúng tôi đã cam kết và đang thực hiện hiệu quả”.
Xưởng sản xuất nhôm kính và nội thất của anh Trịnh Minh Chúc (Xuân Yên, Nghi Xuân) thường xuyên tạo việc làm cho 4 thanh niên tại địa phương.
Với 37 mô hình khởi nghiệp, trung bình mỗi mô hình thu hút từ 2-7 lao động làm việc, thời gian qua, CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Nghi Xuân đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động, là những người trẻ trên địa bàn.
Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ về mặt ý tưởng, kết nối quảng bá, chúng tôi còn định hướng các chủ mô hình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, như: xây dựng sản phẩm OCOP, VietGAP... Ngoài ra, chúng tôi còn giúp các ĐVTN tiếp cận các chính sách của Nhà nước về nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng để các bạn có điều kiện thuận lợi trong xây dựng và phát triển mô hình của mình.
Để phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ tới các ĐVTN, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các diễn đàn, giao lưu, chia sẻ về chuyên đề khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ các thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay của Trung ương đoàn và của các ngân hàng một cách hiệu quả.