Đường ống cũ, xuống cấp
Giữa lúc công nhân cầu đường đang khẩn trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A (qua TP Hà Tĩnh) thì công nhân Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cũng phải “căng mình” với công tác di dời đường ống để kịp tiến độ thi công dự án. Mỗi cung đường thi công, công nhân cấp nước phải dùng máy khuếch đại âm tần, máy nội soi để phát hiện khi có đường ống bị rò rỉ.
Việc thi công đường Quốc lộ 1A khiến đường ống cấp nước sạch bị hư hỏng làm tăng tỷ lệ thất thoát nước
Ông Phạm Quang Sơn - Phó Giám đốc công ty cho biết: “Có những đoạn đường thi công đến đâu chúng tôi phải sửa chữa đường ống đến đó vì bị vỡ, nước thất thoát. Dự kiến, kinh phí sửa chữa, dịch chuyển đường ống khoảng 5 tỷ đồng. Kinh phí này doanh nghiệp (DN) hiện đang phải đau đầu cân đối doanh thu để bù”.
Không riêng dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, quá trình chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới... trên địa bàn tỉnh đã làm hư hỏng, rò rỉ đường ống, gây thất thoát nước sạch. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới cấp nước toàn công ty được đầu tư nhiều giai đoạn, không đồng bộ nên quá trình vận hành bị rò rỉ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có đến 20% các đường ống tuổi thọ 20-30 năm, nhiều đường ống cũ ở các huyện miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang... nay đã cũ mục dẫn đến bị xì, vỡ, tỷ lệ thất thoát cao. Năm 2016, tỷ lệ thất thoát nước sạch toàn tỉnh là 23% (tăng 2% so với kế hoạch).
Người dân thiếu ý thức
Bên cạnh sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, tình trạng ăn cắp nước sạch cũng làm tăng tỷ lệ thất thoát nước. Hiện nay, hoạt động phổ biến là khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo nước. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát nước mà còn gây hại cho đường ống chính, có thể làm vỡ, rò rỉ không thể kiểm soát… Để phát hiện những đối tượng này, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đã triển khai lắp đặt đồng hồ tổng, thực hiện phân vùng, tách vùng để phát hiện điểm thất thoát.
Để giảm tỷ lệ thất thoát nước, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đã đầu tư máy móc hiện đại nhằm phát hiện các điểm rò rỉ.
Tại huyện Đức Thọ, năm vừa qua, nhờ áp dụng giải pháp này, Chi nhánh Cấp nước Đức Thọ đã phát hiện 11 hộ dân ở tổ dân phố 7, 8 (thị trấn Đức Thọ) dùng nước không qua đồng hồ, góp phần giảm tỷ lệ thất thoát nước (từ 45% năm 2015 xuống còn 25% năm 2016).
Dù áp dụng biện pháp phân vùng, tách mạng nhưng với địa bàn rộng, nhân lực eo hẹp nên nhiều lúc, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cũng không thể kiểm soát hết những điểm rò rỉ. Bởi vậy, công tác chống thất thoát nhiều khi lại phụ thuộc vào thông tin cung cấp của người dân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù phát hiện đường ống vỡ nhưng không tìm cách cấp báo cho đơn vị nên rất lâu sau đó mới phát hiện sự cố.
Ông Võ Ngọc Vinh - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cho biết: Công tác chống thất thoát phải thực hiện từng giây, từng phút nên nếu người dân phát hiện mà không báo, để đến khi cán bộ kỹ thuật tìm ra điểm rò rỉ thì cũng mất một khoảng thời gian, như vậy thì tỷ lệ thất thoát lại càng cao. Theo đó, công tác chống thất thoát cần nhất là sự giúp đỡ của đông đảo người dân, trong đó, vận động nhân dân cung cấp thông tin báo vỡ, rò rỉ đường ống qua đường dây nóng là phương pháp hữu hiệu nhất.
Ngoài việc áp dụng nhiều giải pháp, nỗ lực giảm tỷ lệ thất thoát nước, DN cũng đề xuất giải pháp tăng giá nước. Trong khi hệ thống đường ống cũ xuống cấp cần kinh phí để sửa chữa, tái đầu tư, với giá nước áp dụng từ năm 2012 đến nay thì DN đang phải “đau đầu” để xoay xở nhằm cân đối kinh phí, doanh thu. Ngoài đề xuất tăng giá nước, hằng năm, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cũng xây dựng kế hoạch chống thất thoát. Theo đó, đầu tư các thiết bị chuyên dùng nhằm phát hiện các điểm rò rỉ là giải pháp được DN ưu tiên hàng đầu.