Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Jeremy Corbyn. (Ảnh: Sky News)
Công đảng Anh kêu gọi bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson: Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Jeremy Corbyn ngày 14/8 kêu gọi Nghị viện bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson nhằm ngăn chặn kịch bản một Brexit cứng, tức là Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận. Tuyên bố này phần nào cho thấy bức tranh chính trị rối ren tại nước Anh hơn 3 năm sau khi cử tri nước này lựa chọn rời ngôi nhà chung châu Âu.
Trong thư gửi tới các nghị sĩ hàng đầu ủng hộ châu Âu và có quan điểm ôn hòa, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lưu ý tới hậu quả kinh tế của một kịch bản Brexit không thỏa thuận, đồng thời kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Theo ông Corbyn, Chính phủ hiện nay không được phép đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận và cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 cũng không trao cho họ quyền này. Đây chính là lý do khiến ông muốn Nghị viện Anh bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson và bỏ phiệu tín nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo một chính phủ tạm quyền “có giới hạn thời gian”. Mục đích là kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử và kéo dài thời hạn Brexit cần thiết để đảm bảo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cùng với thỏa thuận.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã lên án Ấn Độ vi phạm luật quốc tế. (Ảnh: AFP)
Pakistan cảnh báo chiến tranh với Ấn Độ: Chính phủ Pakistan hôm 14/8 cảnh báo chiến tranh với Ấn Độ nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào khu vực Kashmir do nước này kiểm soát.
Đây là một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Pakistan, bởi cách đây chỉ 1 tuần, nước này vẫn tuyên bố ưu tiên cho các lựa chọn chính trị, ngoại giao và pháp lý nhằm chấm dứt những căng thẳng hiện nay liên quan tới Kashmir. Khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống này từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan khi cả 2 nước đều muốn tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức cao nhất kể từ sau quyết định của chính phủ Ấn Độ hồi đầu tháng bãi bỏ quy chế đặc biệt dành cho khu vực Kashmir. Dù Ấn Độ cho rằng việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây, song Pakistan lại chỉ trích những biện pháp này là bất hợp pháp.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa án Gibraltar ra lệnh thả tàu chở dầu Grace 1 của Iran: Ngày 15/8, Tòa án Tối cao Gibraltar - vùng lãnh thổ Anh tại Địa Trung Hải - đã ra phán quyết thả tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị bắt giữ hồi tháng trước bất chấp đề nghị tiếp tục tạm giữ tàu này từ phía Mỹ.
Chánh án Tòa án tối cao Anthony Dudley cho biết quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Gibraltar nhận được thư đảm bảo từ phía Iran rằng tàu Grace 1 "không bao giờ đi tới một thực thể bị Liên minh châu Âu trừng phạt" và do đó không có lý do hợp lý nào để bắt giữ con tàu này. Ông cũng cho biết thêm tòa án chưa nhận được văn bản đề nghị giữ tàu Grace 1 từ phía Mỹ.
Ngày 4/7 vừa qua, Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 ở ngoài khơi Gibraltar do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của EU chở dầu tới Syria. Iran đã bác bỏ cáo buộc trên.
Hai tuần sau đó, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh "Stena Impero" gần Eo biển Hormuz, cáo buộc tàu này vi phạm quy định hàng hải. Anh coi đây là một hành động trả đũa trái phép. Các vụ bắt giữ tàu trên đã làm gia tăng cẳng thẳng giữa Anh và Iran.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Hàn Quốc cam kết thống nhất Bán đảo Triều Tiên năm 2045: Trong phát biểu kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (15/8/1945 - 15/8/2019), Tổng thống Moon Jae-in khuyến khích tổ chức đối thoại về phi hạt nhân hóa với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn kêu gọi Mỹ và Triều Tiên sắp xếp tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 sớm nhất có thể.
Tổng thống Moon Jae-in nói thêm: “Bây giờ là thời điểm để cả Hàn Quốc và Mỹ tập trung vào tái khởi động đàm phán ở thời điểm sớm nhất có thể”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Tổng thống Moon Jae-in khẳng định phi hạt nhân hóa và hợp tác kinh tế sâu hơn với Triều Tiên sẽ tạo nền tảng cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cam kết đến năm 2045 Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thống nhất. Ông Moon Jae-in còn đề cập đến việc Seoul – Bình Nhưỡng phối hợp tổ chức thế vận hội Olympic trong năm 2032.
Tổng thống Moon Jae-in nói: “Một bán đảo Triều Tiên mới tự đem đến hòa bình và thịnh vượng. Đông Á và thế giới đang chờ chúng ta”.
Hàng hóa của Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc cảnh báo đáp trả nếu Mỹ tiến hành áp thuế: Ngày 15/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ có những động thái đáp trả cần thiết nếu Mỹ tiến hành áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.
Bộ trên khẳng định các biện pháp thuế quan của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước và đi chệch hướng khỏi việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế đã tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định áp thuế mới và Bắc Kinh phản ứng bằng cách tạm dừng tất cả các giao dịch mua hàng nông sản của Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/8 cho biết Chính phủ Mỹ sẽ hoãn việc áp các mức thuế 10% đối với hàng hóa điện tử nhập khẩu của Trung Quốc đến ngày 15/12, song vẫn sẽ xúc tiến kế hoạch áp các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD kể từ 1/9 như đã tuyên bố trước đó.
Các vòng thuế trước của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc đã tránh đánh vào các mặt hàng bán lẻ, nhưng vòng thuế mới sẽ nhắm tới gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đó không bị ảnh hưởng, đó là hàng điện tử tiêu dùng và quần áo, giày dép.