Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP)
Điện Kremlin thông báo nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều: Trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào cuối tháng Tư này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về các mối quan hệ song phương, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hợp tác trong khu vực.
Phát biểu với báo giới ngày 19/4, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chủ đề thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ rất rộng. Ông khẳng định Moskva sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Cũng theo ông Peskov, việc Điện Kremlin không tiết lộ thông tin về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều là vì lý do an ninh. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra ở Nga.
Nhân viên kiểm soát bầu cử cùng cảnh sát địa phương dùng thuyền đi phân phối hậu cần cho các điểm bầu cử bị lũ lụt tại tỉnh Jambi. (Ảnh: Ủy ban bầu cử tỉnh Jambi/ Antaranews)
Hơn 2.000 điểm bỏ phiếu tại Malaysia phải tổ chức bầu cử lại: Cuộc tổng tuyển cử Indonesia năm 2019 bầu Tổng thống và cơ quan lập pháp kết thúc chiều 17/4 vừa qua. Nhưng tính đến sáng 19/4, vẫn còn nhiều nơi, người dân chưa được thực hiện quyền công dân của mình hoặc phải đi bầu cử lại.
Ông Arief Budiman, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Indonesia, cho biết có hơn 2.000 điểm bỏ phiếu trên 18 quận, thành phố phải tổ chức bầu cử lại có theo dõi, tập trung nhiều tại thành phố Jayapura, tỉnh Papua. Bên cạnh đó, có nhiều nơi chưa thể tổ chức bầu cử.
Nguyên nhân thứ nhất là do công tác hậu cần kĩ thuật tại những nơi này chưa tốt. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu lá phiếu hoặc các lá phiếu bị hỏng trong quá trình vận chuyển.
Nguyên nhân thứ hai là do thiên tai. Tại tỉnh Jambi xảy ra lũ lụt gây khó khăn cho việc phân phát hậu cần tới điểm bầu cử. Nhiều hòm phiếu bầu cử được tìm thấy trong tình trạng ướt nước. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Indonesia, Arief Budiman cho rằng con số này không đáng kể so với số lượng các địa điểm bỏ phiếu đạt tới hơn 800.000 điểm và yêu cầu những nơi phải tổ chức bầu cử lại hoặc chưa bầu cử tiến hành bỏ phiếu sớm nhất có thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe bắt tay nhau trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng. (Ảnh: Morung Express)
Tổng thống Mỹ là quốc khách đầu tiên của Nhật trong niên hiệu Reiwa: Trong phiên họp ngày 19/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mời Tổng thổng Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản từ ngày 25-28/5.
Sau khi Hoàng Thái Tử Naruhito chính thức đăng quang vào ngày 1/5, ông Donald Trump sẽ trở thành quốc khách đầu tiên thăm Nhật Bản trong niên hiệu mới Reiwa.
Nhân dịp này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiến hành hội đàm với Tổng thống Trump, trong đó nội dung chính là bàn biện pháp tăng cường mối quan hệ đồng minh thân thiết Nhật-Mỹ. Ngoài ra hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị bắt cóc, các vòng đàm phán mới liên quan tới Hiệp định thương mại song phương.
Vệ tinh 29e được phóng lên quỹ đạo từ tháng 1/2016. (Ảnh: Intelsat)
Sau máy bay, đến lượt vệ tinh do Boeing sản xuất gặp sự cố: Nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh Intelsat S.A. (Luxembourg) ngày 18/4 cho biết một trong những vệ tinh của công ty này do Boeing sản xuất đã gặp trục trặc liên quan tới hệ thống động cơ đẩy.
Intelsat S.A. cho hay vệ tinh 29e đã ngừng hoạt động do sự cố kỹ thuật. Vào ngày 18/4, Intelsat S.A. đã chuyển thông tin đến nhà sản xuất Mỹ Boeing để phân tích nguyên nhân dẫn đến trục trặc.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết trong ngày 7/4, động cơ đẩy của vệ tinh 29e đã bị hỏng và nỗ lực để sửa chữa thiết bị này đều không thành công. Ngày 8/4, vệ tinh này bắt đầu trôi khỏi quỹ đạo. Vệ tinh 29e hoạt động bao quát nước Mỹ và những khu vực quanh đó bao gồm Caribbean và Bắc Đại Tây Dương.
Boeing chưa đưa ra phản hồi về sự cố nêu trên. Trong thời gian qua, hãng sản xuất máy bay này đã “lao đao” liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 Max 8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc họp báo tại thủ đô Moskva. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cộng đồng quốc tế phản đối Mỹ gia tăng các biện pháp chống Cuba: Ngày 18/4, Nga, Trung Quốc, Bỉ, Anh và Mexico cùng các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng các hành động thù địch đối với Cuba sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ không tiếp tục đình chỉ Điều III Luật Helms-Burton, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống La Habana.
Trả lời hãng Prensa Latina nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Yalta lần thứ 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Nga phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ và cho rằng những lệnh trừng phạt này chỉ hợp pháp nếu được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington chấm dứt việc đình chỉ Điều III luật Helms-Burton, theo đó các công dân Mỹ quốc tịch Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện các công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Cuba liên quan việc hỗ trợ quốc gia láng giềng Venezuela. Đáp lại, Chính phủ Cuba khẳng định luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribe này.