Lực lượng trung thành với nhóm gọi là Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) gác tại Aden, Yemen, ngày 7/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các cuộc giao tranh mới ở Yemen khiến 300 người chết, bị thương: Liên hợp quốc ngày 11/8 cho biết các cuộc giao tranh giữa các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen và các phần tử ly khai tại thành phố cảng Aden lớn thứ hai ở nước này đã khiến 40 người thiệt mạng và 260 người khác bị thương, trong đó có nhiều dân thường.
Thông báo của Liên hợp quốc nêu rõ "hàng chục dân thường đã thiệt mạng và bị thương kể từ ngày 8/8 khi giao tranh nổ ra tại thành phố Aden. Các báo cáo sơ bộ cho thấy đã có khoảng 40 người thiệt mạng và 260 người bị thương."
Yemen rơi vào cuộc nội chiến giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi từ cuối năm 2014. Aden được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Mansour Hadi. Ông Hadi đang sống lưu vong ở Saudia Arabia kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi năm 2014.
Binh sĩ Ấn Độ gác tại một tuyến phố ở Jammu ngày 5/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ấn Độ tái áp đặt một số hạn chế tại Kashmir: Chính phủ Ấn Độ ngày 11/8 đã tái áp đặt một số hạn chế tại nhiều nơi ở khu vực Kashmir phần do nước này kiểm soát, trước thềm lễ hội Eid-al-Adha của người Hồi giáo, do lo ngại các cuộc tụ tập lớn có thể dẫn tới biểu tình phải đối việc New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt của khu vực này.
Hôm 5/8, Chính phủ Ấn Độ đã công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu & Kashmir, viện dẫn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới trong bang Jammu & Kashmir.
Pakistan đã phản đối quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ, đồng thời cho biết sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bản kiến nghị chỉ trích Ấn Độ vì quyết định bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát.
Quang cảnh vụ đụng độ ngày 11/8 tại Jerusalem. (Ảnh: AFP)
Cảnh sát Israel và người Palestine đụng độ tại đền Al-Aqsa ở Jerusalem: Ngày 11/8, cảnh sát Israel và các tín đồ Hồi giáo người Palestine đã đụng độ tại đền Al-Aqsa linh thiêng ở thành phố Jerusalem, khi các ngày lễ của người Hồi giáo và Do Thái trùng với nhau dẫn tới căng thẳng tại đây.
Cảnh sát đã phóng lựu đạn âm thanh vào người biểu tình Palestine đang tụ tập tại đền Al-Aqsa, mà người Do Thái gọi là Núi Đền. Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ của Palestine cho biết nhiều người đã bị thương, song chưa có con số cụ thể.
Ngày 11/8 là ngày khởi đầu lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo và hàng nghìn người Palestine đã đến đền Al-Aqsa để cầu nguyện. Lễ này trùng với lễ Tisha B"av của người Do Thái, nên cũng có rất nhiều người Do Thái tới thăm ngôi đền thiêng đối với cả hai tôn giáo này.
Một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Venezuela Maduro. (Ảnh: Venezuela Analysis)
Venezuela thu thập chữ ký người dân phản đối lệnh phong tỏa của Mỹ: Ngày 11/8, Chính phủ Venezuela thông báo bắt đầu tiến hành chiến dịch thu thập chữ ký của người dân để phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump phong tỏa tài sản của Venezuela cùng các biện pháp trừng phạt khác.
Phó Tổng thống Jorge Rodríguez cho biết, dự kiến chiến dịch kéo dài một tháng này sẽ thu thập được 13 triệu chữ ký trong lãnh thổ Venezuela, và Caracas sẽ được vận động trên toàn thế giới để tuyên bố với LHQ rằng “Venezuela đang đứng dậy, Venezuela không đầu hàng, Venezuela tự do, độc lập và tự chủ”. Các bằng chứng này sẽ được Venezuela trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp ngày 10/9 tới của kỳ họp thứ 74 của tổ chức này.
Ngày 5/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Chính phủ Venezuela tại Mỹ và cấm tất cả giao dịch liên quan của Caracas, trừ những trường hợp ngoại lệ. Theo đó, tất cả tài sản và lợi ích thuộc sở hữu của Chính phủ Venezuela tại Mỹ sẽ không được chuyển nhượng, thanh toán, xuất khẩu, rút vốn hoặc quản lý.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng cấm mọi giao dịch với các quan chức Venezuela có tài sản đang bị phong tỏa, đồng thời không cho phép cấp hoặc tiếp nhận “mọi đóng góp hoặc cung cấp vốn, hàng hóa hoặc dịch vụ cho những người thụ hưởng là các đối tượng có tài sản hoặc lợi ích nằm trong diện bị phong tỏa”.
Lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường một vụ nổ xe chở xăng dầu. (Ảnh: Pulselive/TTXVN)
Tanzania để quốc tang 3 ngày tưởng nhớ các nạn nhân vụ nổ xe chở dầu: Tổng thống Tanzania John Magufuli đã tuyên bố để quốc tang trong 3 ngày nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ nổ xe chở dầu làm trên 60 người thiệt mạng và 70 người bị thương ở Morogoro ngày 10/8.
Trong tuyên bố sáng sớm 11/8, Vụ Thông tin của Phủ Tổng thống cho biết 3 ngày quốc tang kéo dài từ 10 - 12/8. Trong thời gian quốc tang, cả nước sẽ treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí.
Trước đó, sáng sớm 10/8, một chiếc xe tải chở xăng dầu chạy qua khu vực Morogoro, cách thủ đô Dar Es Salaam của Tanzania khoảng 200 km về phía Tây, đã gặp tai nạn và bị lật, khiến xăng tràn ra ngoài và gây cháy nổ.
Đến đêm 10/8, cảnh sát cho biết 64 người đã thiệt mạng. Cảnh sát trưởng khu vực Morogoro cho biết số thương vong có thể còn tăng cao vì hầu hết người bị thương trong tình trạng nguy kịch.