Nhà thờ Đức Bà tại Paris được tu sửa sau vụ cháy kinh hoàng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hạ cảnh báo nguy cơ nhiễm chì từ vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Giới chức thành phố Paris, Pháp ngày 6/8 đã hạ thấp cảnh báo về nguy cơ nhiễm chì sau vụ cháy lớn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) hồi tháng 4 vừa qua.
Phát biểu với báo giới, Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire cho biết tất cả các xét nghiệm tiến hành trong bán kính 500 m xung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà đều cho kết quả âm tính, đồng nghĩa không còn mối nguy hiểm.
Trước đó, tối 5/8, chính quyền Paris đã công bố kết quả các xét nghiệm mới tại các trường học và nhà trẻ xung quanh Nhà thờ Đức Bà, cho thấy chưa đến 70 mg chì trên mỗi m2 - ngưỡng được coi là an toàn. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy tại một số trường học và nhà trẻ ngoài khu vực di tích lịch sử hơn 850 tuổi này vẫn có 1.000 mg chì trên mỗi m2 ở những nơi như sân chơi và bậu cửa sổ.
Ông Gregoire cam kết nhà chức trách sẽ làm sạch hoàn toàn môi trường tại những khu vực này trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới và các trường học cũng sẽ chỉ mở cửa khi được cơ quan y tế vùng cho phép.
Khoảng 300 tấn chì từ phần mái và tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà đã bị tan chảy do vụ cháy hồi tháng 4 vừa qua, gây ra lượng bụi chì lớn trong không khí, đe dọa sức khỏe của cư dân sống gần khu vực, đặc biệt là trẻ em.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. (Ảnh: Mạng Tin tức Trung Quốc)
Trung Quốc lên tiếng việc bị Mỹ liệt kê vào danh sách thao túng tiền tệ: Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã chỉ trích mạnh mẽ việc Bộ Tài chính Mỹ liệt kê Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, cho rằng đây là hành động cảm tính, không có căn cứ và là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đánh giá, động thái của Mỹ phá hoại nghiệm trọng các quy tắc quốc tế và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố nêu rõ, Trung Quốc thực thi chính sách tỷ giá dao động có quản lý, với nền tảng dựa vào cung cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, tỷ giá đồng Nhân dân tệ được định giá do các lực lượng cung cầu thị trường ngoại hối quyết định, không tồn tại vấn đề “thao túng tiền tệ”.
Tuyên bố cho rằng, từ đầu tháng 8 trở lại đây, đồng Nhân dân tệ mất giá ở một mức độ nhất định là phản ánh cụ thể của thị trường trong bối cảnh cọ xát thương mại gia tăng cũng như kinh tế thế giới có nhiều biến động. Trung Quốc cũng khẳng định luôn cố gắng duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức ổn định và nước này sẽ không lấy tỷ giá làm công cụ để đối phó với chiến tranh thương mại. Động thái của Mỹ không chỉ phá hoại nghiêm trọng trật tự tài chính quốc tế mà còn có thể gây ra biến động lớn đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của kinh tế và thương mại thế giới.
Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt tại Chennai, Ấn Độ ngày 25/6. (Ảnh: THX/TTXVN)
25% dân số thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt: Khoảng 25% dân số thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng, trong đó quốc gia có đông dân dễ chịu tác động nhất là Ấn Độ. Đây là kết quả nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ công bố.
WRI cảnh báo 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hằng năm trong khi còn gần 5 tháng nữa mới hết năm 2019. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn.
Theo số liệu mới được WRI cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), các quốc gia trong tình trạng "khát nước trầm trọng nhất" nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban.
Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia đứng trước nguy cơ thiếu nước "rất cao". Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người, số người dân chịu nguy cơ này tại Ấn Độ cao gấp 3 lần tổng số dân chịu ảnh hưởng ở 16 quốc gia khác trong nhóm phụ thuộc nhiều vào khả năng tránh khủng hoảng nước.
Ông Jon Huntsmen. (Ảnh: TASS/Getty)
Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman từ chức: Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman ngày 6/8 đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Donald Trump vì công việc gia đình.
Trong thư gửi Tổng thống Donald Trump, Đại sứ Jon Huntsman cho biết ông xin từ chức là vì lý do gia đình đồng thời cam kết sẽ chuyển giao suôn sẻ để đảm bảo các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ không bị ảnh hưởng.
Đơn xin từ chức của ông Huntsmen sẽ có hiệu lực từ ngày 3/10.
Đại sứ Huntsmen từng làm thống đốc bang Utah năm 2004 và 2008, Đại sứ Mỹ tại Singapore đầu những năm 90 và tại Trung Quốc từ 2009 tới 2011.
Ông được Tổng thống Donald Trump chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Nga ngay trong năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia ở ngoại ô Moskva ngày 5/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nga khẳng định không đơn phương triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn: Ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với cái cớ ngụy tạo, đã phá hủy một trong những văn kiện nền tảng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, làm phức tạp nghiêm trọng tình hình trên thế giới, tạo ra nhiều rủi ro lớn cho mọi quốc gia.
Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, cùng Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) theo dõi sát các động thái tiếp theo của Mỹ về phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Trong trường hợp nhận được thông tin chính xác về việc Mỹ đã hoàn tất việc phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa này, Nga sẽ buộc phải bắt tay vào phát triển toàn diện các tên lửa tương tự.
Tuy nhiên, người đứng đầu nước Nga nêu rõ những bước đi của Moskva chỉ mang tính đáp trả, chứ không phải hành động đơn phương. Nga sẽ không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại những khu vực mà Mỹ không triển khai các loại tên lửa tương tự.