Ảnh minh họa
Hạ viện Australia phê chuẩn CPTPP: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã vượt qua cửa ải đầu tiên ở Australia khi được Hạ viện nước này thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 17/9 với tỷ lệ sít sao 71/71 phiếu.
Hiệp định này được thông qua là nhờ Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền dành được sự ủng hộ từ một số nghị sỹ Công đảng đối lập. Dự luật này sẽ được đưa lên Thượng viện để thảo luận và thông qua.
Phát biểu tại Hạ viện trước cuộc bỏ phiếu, cựu Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Steve Ciobo cho biết hiệp định gồm 11 nền kinh tế thành viên này sẽ tạo điều kiện để các nhà xuất khẩu của Australia dễ dàng tiếp cận thị trường gồm 500 triệu người tiêu dùng và giúp tăng thu nhập quốc dân của Australia thêm 15,6 tỷ AUD (tương đương 11,2 tỷ USD) vào năm 2030.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Ảnh: 112.international)
Ukraine chính thức ngừng hiệp ước hữu nghị với Nga: Ngày 17/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác với Liên bang Nga.
Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, Hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019.
Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Trong phản ứng đầu tiên từ Duma quốc gia tức Hạ viện Nga, Chủ tịch Ủy ban Duma về SNG, hội nhập Á-Âu và giao tiếp với đồng bào Leonid Kalashnikov tuyên bố việc Ukraine phá vỡ Hiệp ước về hữu nghị với Nga sẽ làm mất đi những bảo đảm trong tuân thủ quyền của người Ukraine đang sinh sống tại Nga và người Nga tại Ukraine.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân vụ lở đất ở Itogon, Philippines hôm 17/9. (Ảnh: EPA)
Siêu bão Mangkhut gây hậu quả nặng nề tại Philippines, Trung Quốc: Siêu bão Mangkhut quét qua Philippines đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho quốc gia Đông Nam Á này trong những ngày cuối tuần qua. Ít nhất 65 người đã thiệt mạng, 43 người mất tích trên đảo Luzon. Tính tới ngày 18/9, cơn bão được cho là đã phá hủy ít nhất 2.800 ngôi nhà. 155.000 người phải sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn hơn.
Siêu bão Mangkhut đổ bộ vào khu vực miền Nam Trung Quốc kể từ hôm 16/9 vừa qua hiện đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ít nhất 4 người thiệt mạng sau khi cơn bão mang theo mưa to và gió giật mạnh quét qua tỉnh Quảng Đông. 1,3 triệu người đã phải đi sơ tán.
Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở quận Notting Hill, London ngày 8/8/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
IMF cảnh báo kinh tế Anh suy yếu nếu không có thỏa thuận với EU: Nền kinh tế Anh sẽ suy yếu nếu nước này rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới mà không đạt được một thỏa thuận Brexit. Và ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, tài chính của Anh cũng sẽ ở trong tình trạng tệ hơn so với lựa chọn ở lại EU. Đây là cảnh báo đưa ra ngày 17/9 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Báo cáo thường niên của IMF dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong 2 năm 2018 và 2019 nếu Anh và EU đạt được một "thỏa thuận ly hôn", thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 1,75% nếu Anh ở lại EU.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo trong trường hợp hai bên không nhất trí được các điều khoản "ly hôn", Brexit sẽ dẫn đến những kết quả tồi tệ hơn cho cả hai bên nhưng phía Anh sẽ chịu tổn thất lớn hơn so với EU.
Chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin, phát biểu trong cuộc họp báo về tiến trình điều tra vụ rơi máy bay MH17. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ nội dung ghi âm vụ bắn rơi máy bay MH17: Ngày 17/9, Bộ Quốc phòng Nga công bố nội dung băng ghi âm trao đổi qua điện thoại giữa giới chỉ huy quân sự Ukraine cho thấy Kiev có liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysian Airlines năm 2014 trên lãnh thổ Ukraine.
Theo đó, trên địa phận tỉnh Odessa của Ukraine khi lắp đặt trạm định vị vô tuyến “Malakhit” để chuẩn bị cho cuộc tập trận “Rubezh-2016” đã diễn ra đoạn hội thoại về khả năng trạm định vị trên của Ukraine không hoạt động trong khi Ukraine đóng cửa bầu trời.
Đoạn thoại có câu kết thúc như sau: “Các cậu này, nếu cứ như vậy chúng ta sẽ có thêm một Boeing Malaysia nữa đó”. Qua phân tích cho thấy một trong hai người đối thoại là trung tá Ukraine Ruslan Grinchak.
Cũng tại cuộc họp báo trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố số hiệu quả tên lửa bắn hạ chiếc máy bay MH17, theo đó, quả tên lửa này thuộc về quân đội Ukraine.