Lính Indonesia đưa túi đựng thi thể nạn nhân vào bờ hôm 29/10. (Ảnh: Reuters)
Indonesia công bố báo cáo vụ rơi máy bay Lion Air vào cuối tháng 11: Theo Reuters, ngày 12/11, Chủ nhiệm ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT), ông Soerjanto Tjhajono, thông báo trong ngày 28 hoặc 29/11 tới, nước này sẽ công bố một bản báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra đối với vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Lion Air khiến 189 người thiệt mạng.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Jakarta, ông Tjahjono nói: "Một tháng sau vụ tai nạn, KNKT sẽ công bố báo cáo sơ bộ và báo cáo này sẽ được đăng tải trên mạng Internet."
Hiện, ủy ban trên vẫn đang khẩn trương tìm kiếm hộp đen chứa dữ liệu ghi âm buồng lái từ chiếc máy bay xấu số Boeing 737 MAX. KNKT đã trích xuất thông tin từ hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay, vốn được tìm thấy một vài ngày sau vụ tai nạn hôm 29/10 vừa qua.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: Reuters)
Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận về Brexit: Ngày 12/11, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), cảnh báo với các ngoại trưởng từ 27 nước thành viên rằng chưa đạt được thỏa thuận nào về việc Anh rời khỏi khối này.
Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu (EC) cho hay những nỗ lực đàm phán mạnh mẽ vẫn đang tiếp tục, song các bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận.
Một số vấn đề then chốt đang được trao đổi, đặc biệt là về giải pháp nhằm tránh đường biên giới cứng giữa Ireland, một quốc gia thành viên EU, và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Ông Barnier đang có cuộc họp với các ngoại trưởng EU tại thủ đô Brussels của Bỉ về tình hình đàm phán Brexit, trong bối cảnh thời hạn 29/3/2019 cho việc Anh rời khỏi "mái nhà chung" đang tới gần.
Binh sỹ Hàn Quốc rời khỏi chốt an ninh theo thỏa thuận quân sự liên Triều. (Ảnh: Bộ quốc phòng Hàn Quốc/Yonhap)
Triều Tiên đã tháo dỡ 636 quả mìn khỏi khu vực Bàn Môn Điếm: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ngày 12/11 cho biết, Triều Tiên đã dỡ 636 quả mìn khỏi làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở biên giới với Hàn Quốc.
Theo ông Jeong Kyeong-doo, đây là một phần trong thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều (CMA) được ký hồi tháng 9/2018.
CMA, là yếu tố chủ chốt trong thỏa thuận thượng đỉnh gần đây nhất giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, kêu gọi 2 bên phải có các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có cả việc rút các binh sỹ và vũ khí ở khu vực biên giới. Hai bên hoàn thành công tác chung về việc dỡ bỏ mìn khỏi Khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm (JSA) ngày 20/10.
Quân đội Hàn Quốc cũng đã bắt đầu huy động máy xúc để san phẳng 10 trong số 11 chốt gác thay vì phá hủy bằng thuốc nổ. Hàn Quốc có kế hoạch duy trì một boongke dọc bờ biển phía Đông, được thiết lập ngay sau Hiệp định đình chiến năm 1953. Phía Triều Tiên cũng sẽ bảo duy trì 1 khu vực an ninh.
Bà My Ut Trinh gốc Việt, bị cáo buộc 7 tội danh liên quan tới hủy hoại hàng hóa và đối mặt với tối đa 10 năm tù. (Ảnh: News)
Australia bắt giữ nghi phạm nhét kim vào dâu tây: Một người phụ nữ từng làm việc ở một nông trại dâu tây tại Queensland đã bị bắt giữ ngày 11/11 khi cố tình nhét kim vào dâu tây, gây nên sự hoang mang khắp Australia và hủy hoại ngành công nghiệp dâu tây của nước này.
Cảnh sát nhận định vụ việc này có "tình tiết tăng nặng" nên nếu bị buộc tội, người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù. Truyền thông địa phương xác định danh tính người phụ nữ này là My Ut Trinh, 50 tuổi.
Theo trang Guardian, mẫu ADN được phát hiện trong một trong những cây kim bị nhét vào dâu tây trùng khớp với mẫu ADN của bà Trinh.
Thẩm phán Christine Roney cho biết động cơ hành vi của bà Trinh có thể là vì "giận dữ hoặc trả thù" do bất bình với nơi làm việc, đồng thời nhận định thêm bà Trinh sẽ không được tại ngoại cho đến khi những lý do đằng sau hành động này trở nên rõ ràng hơn.
(Ảnh minh họa: MEHR)
IAEA khẳng định Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân: Vài ngày sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, ngày 12/11, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo mới nhất về vấn đề hạt nhân Iran, trong đó chỉ rõ, Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới.
Báo cáo mới nhất từ cơ quan giám sát nguyên tử của Liên hợp quốc cho thấy, kể từ đầu tháng 11, Iran đã tuân thủ những hạn chế đặt ra đối với chương hạt nhân của nước này trong thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1 năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ hôm 5/11 đối với Iran. Điều này đã làm dấy lên quan ngại về việc liệu thỏa thuận hạt nhân có thể tiếp tục tồn tại hay không.