Ông Carles Puigdemont, cựu Chủ tịch chính quyền vùng Catalonia. Ảnh: Politico Europe
Catalonia vẫn chưa thể bầu ra nhà lãnh đạo mới cho khu vực: Reuters đưa tin, ngày 12/5, phe ủng hộ độc lập tại Catalonia đã thất bại trong việc bầu ra một nhà lãnh đạo mới cho khu vực, chỉ 10 ngày trước hạn chót phải thành lập chính quyền hoặc tổ chức một cuộc bầu cử.
Ứng cử viên hàng đầu là ông Quim Torra, một đồng minh thân cận của cựu Thủ hiến Carles Puigdemont, chỉ giành được 66 phiếu ủng hộ trong khi ông cần đến 68 phiếu.
Tuy nhiên, ông Torra vẫn có thể được bầu làm lãnh đạo trong vòng bầu cử thứ 2 diễn ra vào ngày 14/5.
Cảnh sát phong tỏa bên ngoài nhà ông Najib Razak. Ảnh: AFP
Cảnh sát Malaysia lập hàng rào xung quanh tư dinh cựu Thủ tướng: Hãng tin Bernama ngày 13/5 đưa tin, cảnh sát Malaysia đã phong tỏa lối ra vào tư dinh của cựu Thủ tướng Najib Razak trên đường Langgak Duta ở thủ đô Kuala Lumpur.
Phó cảnh sát trưởng khu vực Sentul nơi có tư dinh của ông Najib xác nhận, một bốt cảnh sát đã được đặt tại khu vực này nhằm kiểm soát an ninh. Tại lối vào tư dinh của ông Najib cũng có 5 cảnh sát cắm chốt.
Trước đó, ngày 12/5, Cục nhập cư Malaysia xác nhận thông tin ông Najib và vợ của mình đã được đưa vào danh sách cấm xuất cảnh khỏi Malaysia. Lý do của quyết định này không được tiết lộ.
Biển chỉ đường tới Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: Pbs
Israel sẵn sàng khai trương Đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem: Israel đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi lễ khai trương Đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem dự kiến diễn ra vào hôm nay 14/5.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ có con gái Ivanka, con rể Kushner của Tổng thống Mỹ Donal Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Bộ Ngoại giao Israel cho biết, có 86 đại sứ nước ngoài tại Israel đã được mời tham dự buổi lễ khai mạc. Khoảng 40 người trong số này đã chấp nhận lời mời. Để đảm bảo an toàn cho buổi lễ, Israel đã triển khai hàng nghìn cảnh sát tham gia ứng trực tại nhiều địa điểm ở Jerusalem.
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại ngoại ô Moskva hồi tháng một. Ảnh: AFP
Putin không có kế hoạch thay đổi giới hạn nhiệm kỳ: Các nhà lập pháp địa phương ở Chechnya ngày 10/5 đưa ra sáng kiến sửa đổi hiến pháp để cho phép tổng thống Nga nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp thay vì quy định hai năm hiện nay. Nếu đề xuất này được quốc hội liên bang chấp thuận thì ông Putin có thể tiếp tục cầm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ tư kết thúc vào năm 2024.
Phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov, ngày 11/6 cho biết đề xuất nói trên "không nằm trong chương trình nghị sự của tổng thống" và đề cập đến các tuyên bố trước đây của Putin về vấn đề này. Hồi tháng ba, Putin nhấn mạnh ông không có kế hoạch như vậy.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Triều Tiên khẳng định với Liên Hợp Quốc sẽ dừng thử ICBM: Triều Tiên thông báo với Liên Hợp Quốc rằng họ sẽ ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa không báo trước và dừng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vì họ đã hoàn thành chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố được đưa ra khi Triều Tiên đang đề xuất mở đường bay thẳng từ nước này sang Hàn Quốc. Tất cả hãng hàng không đã tránh bay qua không phận Triều Tiên từ năm 2016.