Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20. (Ảnh: New York Times)
Mỹ - Trung sẽ bắt đầu đàm phán thương mại vào tuần tới: Một tháng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), giới chức Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại vào cuối tháng 7. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ mang lại một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 25/7 cho biết, các nhà đàm phán thương mại cấp cao Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Thượng Hải, Trung Quốc trong hai ngày 30 và 31/7 tới để đàm phán thương mại. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng cho biết, các công ty Trung Quốc sẵn sàng mua những sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đã nhận được lời chào giá từ phía Mỹ và hai bên sẽ sớm ký kết các hợp đồng thương mại.
Thông tin trên từ phía Trung Quốc đã phần nào dập tắt quan ngại của dư luận về nguy cơ Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt với Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7 vừa qua, cáo buộc Trung Quốc không thực hiện lời hứa tăng mua các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Mỹ.
Tàu chở dầu Neyma của Nga, hiện được đổi tên thành Nika Spirit, đang bị giữ tại cảng Izmail, Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Ukraine trả tự do cho thủy thủ đoàn tàu chở dầu của Nga: Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga ở Ukraine cho biết ngày 25/7, chính quyền Kiev đã trả tự do cho thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu Neyma của Nga mà nước này bắt giữ tại cảng Izmail.
Tuy nhiên, tàu Neyma hiện vẫn bị nhà chức trách Kiev tạm giữ. Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cảnh báo Kiev về "các hậu quả khôn lường khi bắt giữ người Nga làm con tin."
Trước đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) cho biết họ đã bắt giữ tàu Neyma khi tàu này tiến vào cảng Izmail ở khu vực phía Nam thành phố Odessa. Phía Ukraine cho rằng tàu Neyma có liên quan tới vụ đụng độ giữa các tàu Nga và Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái ở Eo biển Kerch gần Bán đảo Crimea.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại một sự kiện ở Caracas ngày 27/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Venezuela: Ngày 25/7, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Nam Mỹ Venezuela.
Theo đài Sputnik, 10 cá nhân và 13 thực thể ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã bị Mỹ trừng phạt.
Hãng tin Reuters cho biết trong số 10 cá nhân có cả các con trai riêng của vợ Tổng thống Nicholas Maduro là Walter, Yosser và Yoswal Gavidia.
Mỹ đã trừng phạt Venezuela từ khi khủng hoảng kinh tế-chính trị bùng phát ở nước này hồi tháng 1. Mỹ đã đóng băng tài sản trị giá hàng tỷ đô la của Venezuela.
Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt hạn chế với bốn cá nhân có liên hệ với cơ quan phản gián quân đội Venezuela ngày 19/7.
Nhà ngoại giao người Romania Cornel Feruta. (Ảnh: Wikimedia/TTXVN)
IAEA bổ nhiệm quan chức ngoại giao Romania làm quyền Tổng Giám đốc: Ngày 25/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chỉ định nhà ngoại giao người Romania Cornel Feruta làm quyền Tổng Giám đốc, thay thế ông Yukiya Amano vừa qua đời hồi tuần trước.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ban Giám đốc, IAEA cho biết quyết định bổ nhiệm ông Feruta làm quyền Tổng Giám đốc là nhằm đảm bảo sự hoạt động thông suốt của cơ quan này.
Ông Feruta, 43 tuổi từng là một nhà báo trước khi bước vào ngành ngoại giao năm 1998. Ông là một trong những trợ lý thân cận nhất của cố Tổng Giám đốc Amano, phối hợp công việc của IAEA trong một số lĩnh vực. Ông cũng được đánh giá là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng Giám đốc IAEA, bên cạnh Đại sứ Argentina tại IAEA Rafael Grossi.
Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của Ban Giám đốc IAEA sẽ được tổ chức trong tuần tới nhằm lên lịch trình cho việc bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc cơ quan này. Theo một nguồn tin thân cận, quy trình này có thể sẽ mất khoảng 1 năm song cũng có thể sẽ sớm hoàn tất để tân Tổng Giám đốc nhậm chức vào tháng 1/2020.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp Hạ viện tại London ngày 25/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Thủ tướng Anh họp nội các mới: Chiều 25/7 (theo giờ Việt Nam), tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc họp nội các đầu tiên trên cương vị chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 Phố Downing. Đây là cuộc họp với các thành viên chủ chốt trong chính phủ mới gồm chủ yếu là nhân vật có quan điểm ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, còn gọi là "Brexit cứng".
Phiên họp nội các đầu tiên của ông Johnson chứng kiến sự có mặt của một loạt nhân vật mới so với nội các dưới thời người tiền nhiệm Theresa May, bao gồm ông Dominic Raab và bà Priti Patel, hai gương mặt ủng hộ Brexit cứng rắn lần lượt đảm nhiệm các cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ mới.
Phát biểu tại cuộc họp, tân Thủ tướng Johnson khẳng định quyết tâm đưa nước Anh rời khỏi EU trước ngày 31/10/2019, và cam kết sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.