Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha. (Ảnh: Bangkok Post)
Thái Lan chấm dứt chính quyền quân sự: Ông Prayut Chan-Ocha với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đêm 9/7 đã dỡ bỏ 100 sắc lệnh được ban hành từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha đã sử dụng các quyền lực đặc biệt của ông lần cuối cùng bằng việc dỡ bỏ những lệnh cấm đối với báo chí và chuyển tất cả các vụ án liên quan đến những tội chống lại những mệnh lệnh của ông sang các tòa án dân sự, chấm dứt sự cầm quyền của quân đội - một chủ đề bị chỉ trích nhiều ở trong và ngoài nước trong vòng 5 năm qua.
Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) do ông Prayut đứng đầu sẽ được giải tán theo Hiến pháp khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức. Thủ tướng Prayut sẽ tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa, nhưng không còn các quyền lực đặc biệt trao cho ông.
Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch. (Ảnh: NYDaily)
Đại sứ Anh tại Mỹ từ chức sau khi bị Tổng thống Trump chỉ trích: Thông tin Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch từ chức được Văn phòng đối ngoại thuộc chính phủ Anh công bố ngày 10/7.
Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch là một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Anh. Qua các công điện mật cũng như các bản báo cáo về tình hình chính trị ở Mỹ, nhất là tại Nhà Trắng, ông Darroch đã cảnh cáo rằng Nhà Trắng luôn trong tình trạng rối loạn và Tổng thống Trump sẽ kết thúc sự nghiệp trong cay đắng.
Theo thông tin của tờ Daily Mail của Anh, tài liệu này nêu chi tiết những đánh giá của ông Darroch về chính quyền của Tổng thống Trump từ năm 2017 tới nay. Những thông tin rò rỉ này đã được Bộ Ngoại giao Anh xác nhận và đã vấp phải sự giận dữ và chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Trump. Ông Trump tuyên bố Mỹ quyết định "không giao thiệp" với ông Darroch.
Chính phủ Anh khẳng định sự cố "không phản ánh mối quan hệ gần gũi và tôn trọng giữa hai nước" đồng thời nhấn mạnh rằng các đại sứ có thể đưa ra những đánh giá thẳng thắn, không che đậy về chính trị ở nước sở tại.
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 21/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
EU thông qua biện pháp khẩn cấp nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận: Hội đồng châu Âu (EC) vừa thông qua các biện pháp khẩn cấp đối với ngân sách năm 2019 của Liên minh châu Âu (EU) trong trường hợp Vương quốc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận.
Nếu nước Anh không chấp nhận đóng góp cho ngân sách EU năm 2019, EC sẽ đưa ra một kế hoạch ngân sách sửa đổi trong thời gian cần thiết để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách. Mục tiêu của các biện pháp này là giảm thiểu tác động tiêu cực đến việc cung cấp tài chính đối với nhiều lĩnh vực, như nghiên cứu khoa học, nông nghiệp…, trong trường hợp xảy ra Brexit không thỏa thuận.
Việc Anh rời khỏi EU theo dự kiến vào ngày 31/10 tới sẽ để lại lỗ hổng ngân sách lớn cho EU, ảnh hưởng tới chính sách đầu tư của EU ra nước ngoài, chính sách thúc đẩy việc làm, chống khủng bố và hàng loạt các vấn đề khác.
Không những thế, sự ra đi của nước Anh còn đang làm dấy lên lo ngại về những căng thẳng trong vấn đề đóng góp tài chính của 27 thành viên còn lại của "ngôi nhà chung".
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420 km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đức, Pháp, Anh và EU ra tuyên bố chung về vấn đề hạt nhân của Iran: Ngày 9/7, các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran gồm Đức, Pháp, Anh cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung hối thúc Tehran đảo ngược các hoạt động làm giàu urani hiện nay và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng 3 nước nói trên và Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nêu rõ Iran phải có các hành động phù hợp, đảo ngược các hoạt động vi phạm và trở lại tuân thủ JCPOA một cách đầy đủ và ngay lập tức.
Giới chức châu Âu cho rằng cần phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp giám sát JCPOA - bao gồm các bên ký kết JCPOA còn lại (Nga và Trung Quốc) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018.
Đường cao tốc Meridian dự kiến có 4 làn. (Ảnh: Reuters)
Nga xây đường cao tốc ngắn nhất nối Á-Âu: Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã “bật đèn xanh” cho phép xây dựng đường cao tốc mới xuyên quốc gia dự kiến trở thành tuyến đường bộ ngắn nhất nối giữa châu Á và châu Âu.
Kênh RT (Nga) cho biết dự án này dự kiến cần nguồn kinh phí vào khoảng 9,5 tỷ USD và mang tên Meridian. Đường cao tốc Meridian sẽ trải dài 2.000km từ biên giới Nga với Belarus đến điểm giáp ranh Kazakhstan.
Nhà thầu của dự án đã mua 80% diện tích đất cần thiết cho xây dựng. Quá trình thi công sẽ dựa hoàn toàn vào quỹ của các nhà đầu tư thay vì ngân sách Nga. Với việc thu phí phương tiện di chuyển trên đường cao tốc này, dựa kiến trong 12 năm sẽ hoàn được vốn xây dựng.
Đối với các khách du lịch di chuyển bằng ô tô, tuyến đường cao tốc mới sẽ giúp cải thiện tiếp cận với miền Tây nước Nga đồng thời tạo thêm kết nối giữa châu Âu cùng Cộng hòa Kazakhstan, Đông Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan.