Nhiều nước Arab đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh: EPA)
UAE rút đơn khiếu nại Qatar tại WTO: Ngày 8/8, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã rút lại đơn khiếu nại Qatar mà nước này nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu năm.
Đơn khiếu nại của UAE được đưa ra sau khi Qatar áp đặt các hạn chế thương mại mang tính phân biệt đối với hàng hóa của UAE. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao UAE cho biết nước này đã dừng khiếu nại Qatar tại WTO, do phía Doha đã rút lại các biện pháp hạn chế mà họ từng áp đặt.
Đơn khiếu nại của UAE đã được chuyển tới Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO hồi tháng 5 vừa qua. Hiện chính quyền Doha chưa có phản ứng gì về quyết định mới của UAE.
Trước đó, UAE đệ đơn khiếu nại Qatar lên WTO sau khi Qatar ban hành lệnh cấm hàng hóa có nguồn gốc từ UAE, khiến mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa hai quốc gia láng giềng vùng Vịnh lại càng thêm căng thẳng.
Thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny. (Ảnh: EPA-EFE)
Nga phong tỏa các tài khoản ngân hàng liên quan tới thủ lĩnh đối lập: Ngày 8/8, giới chức Nga đã tiến hành phong tỏa một loạt tài khoản ngân hàng liên quan tới thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny trong khuôn khổ cuộc điều tra của Nga về cáo buộc một quỹ mà ông này lập ra tiến hành hoạt động rửa tiền.
Trong một tuyên bố, các nhà điều tra Nga cho biết họ đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng liên quan tới cái gọi là "Quỹ chống tham nhũng" do ông Navalny sáng lập, tài khoản của các tổ chức khác, và của hơn 100 cá nhân và thực thể pháp lý có liên quan.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà điều tra Nga ngày 3/8 mở cuộc điều tra hình sự về cáo buộc một quỹ của ông Navalny đã tiến hành hoạt động rửa tiền.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết các nhân viên làm việc cho "Qũy chống tham nhũng" mà ông Navalny lập ra đã nhận được một số tiền rất lớn từ bên thứ ba mà họ biết chắc rằng số tiền này đến từ các hoạt động trái phép. Các nhà điều tra Nga ước tính số tiền trái phép này lên tới 1 tỷ ruble (15,3 triệu USD).
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: Washington Examiner)
Venezuela ngừng đối thoại với phe đối lập sau lệnh trừng phạt của Mỹ: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 7/8 quyết định ngừng đối thoại với phe đối lập nhằm phản ứng trước lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện của Mỹ.
Trong một thông cáo chính thức, Chính phủ Venezuela cho biết, dù phái đoàn đối lập do nghị sĩ Juan Guaido chỉ định đã có mặt tại La Barbados để tham gia các cuộc thảo luận dự kiến trong tuần này, song Tổng thống Maduro vẫn quyết định không cử phái đoàn tới dịp này do sự tấn công nghiêm trọng và tàn bạo kéo dài liên tục của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Venezuela.
Tuy nhiên, thông cáo cũng khẳng định, Venezuela sẽ không rời khỏi đàm phán và đang chuẩn bị xem xét lại các cơ chế của tiến trình cho phù hợp với những lợi ích của nhân dân.
Quyết định của Tổng thống Maduro đưa ra chỉ 2 ngày sau thông báo của Nhà trắng đóng băng toàn bộ các tài sản tại Mỹ của chính phủ Venezuela. Chính phủ Mỹ lâu nay đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và nhiều lần kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro rút khỏi quyền lực.
Trợ lý Ngoại trưởng về Tây Bán cầu Kimberly Breier. (Ảnh: AP)
Thêm một quan chức Ngoại giao Mỹ từ chức: Giới chức Mỹ ngày 8/8 cho biết Trợ lý Ngoại trưởng về Tây Bán cầu Kimberly Breier đã từ chức trong bối cảnh tranh cãi nội bộ về chính sách nhập cư đối với khu vực này.
Bà Breier đã tham gia vào bộ máy chính quyền của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10/2018. Bà từng được ca ngợi là người có sự hiểu biết sâu sắc và khả năng phân tích tình hình khu vực khi bà còn phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền của Tổng thống George W.Bush.
Bà Breier là quan chức cấp cao thứ hai trong Bộ Ngoại giao Mỹ từ chức trong tháng này. Hồi tuần trước, Vụ trưởng phụ trách kế hoạch chính sách, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Kiron Skinner đã từ chức sau khi bị chỉ trích về cách quản lý.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Pakistan khẳng định không tìm kiếm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir: Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã ngày 8/8 khẳng định Islamabad sẽ không tìm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir, sau khi nước láng giềng Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt vốn đã áp dụng nhiều thập kỷ qua đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Qureshi nêu rõ Pakistan duy trì quyền đáp trả Ấn Độ, song nhấn mạnh: "Chúng tôi không xem xét một lựa chọn quân sự".
Trước đó, phía Pakistan đã thông báo khái quát các hành động tức thì mà nước này sẽ áp dụng, trong đó có hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gia tăng căng thẳng, ngày 8/8, Islamabad tuyên bố sẽ đình chỉ dịch vụ đường sắt kết nối với Ấn Độ. Bên cạnh đó, Chính phủ Pakistan cũng quyết định cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của nước này.