Nghị sĩ đảng Xã hội Italia David Sassoli hôm 3/7 đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ 2,5 năm tới. (Ảnh: Getty)
Ủy ban châu Âu có Chủ tịch Nghị viện mới: Nghị sĩ đảng Xã hội Italy David Sassoli ngày 3/7 đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ 2,5 năm tới.
Ông Sassoli 63 tuổi được bầu chọn sau 2 vòng bỏ phiếu. Trước khi trở thành nghị sĩ nghị viện Liên minh châu Âu trong vòng 1 thập kỷ qua, ông từng là một nhà báo.
Trước đó, hôm 2/7, Bộ trưởng Quốc phòng của Đức, bà Ursula von der Leyen, được giới thiệu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã dành 3 ngày liên tiếp cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 kể từ sau cuộc bầu cử châu Âu để tranh luận xem ai sẽ nắm giữ các vị trí hàng đầu của khối cho đến năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 20/6/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật đình chỉ INF: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Thông tin này được đăng trên trang web chính thức của Chính phủ Nga ngày 3/7.
Trước đó, dự luật đình chỉ thực thi INF của Nga được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn ngày 18/6 và sau đó tiếp tục được đưa lên Hội đồng liên bang (Thượng viện) để thông qua. Tổng thống Putin đã gửi dự luật cho Hạ viện từ cuối tháng Năm.
INF được Mỹ - Nga ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Mỹ rút khỏi hiệp ước với cáo buộc tên lửa mới của Nga Novator 9M729 vi phạm INF vì có tầm bay hơn 5.000 km. Washington tuyên bố rút khỏi INF trong 6 tháng trừ khi Moskva phá hủy tên lửa vi phạm cùng bệ phóng và thiết bị.
Trong khi đó, Nga đã công khai mẫu tên lửa trên, cho biết tầm bắn của tên lửa là 480 km và khẳng định không vi phạm hiệp ước. Moskva từ chối yêu cầu của Mỹ là phá hủy tên lửa. Các quan chức Nga cáo buộc Mỹ cố kiếm cớ để rút khỏi hiệp ước nhằm phát triển tên lửa mới.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ở Caracas, Venezuela tháng 12/2018. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Venezuela có thể đạt thoả thuận với phe đối lập trong năm nay: "Tôi chắc chắn rằng trong năm 2019, chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận tuyệt vời dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, nền tảng hòa bình, đối thoại và dân chủ cho Venezuela", Tổng thống Nicolas Maduro ngày 3/7 phát biểu trên truyền hình nhà nước Venezuela.
"Tôi muốn khẳng định chính quyền sẵn sàng đối thoại với phe đối lập ở Na Uy nhằm tạo ra cơ chế lâu dài cho các cuộc đàm phán cũng như tìm kiếm giải pháp. Đây là mục tiêu chính và tôi có thể nói rằng quá trình này đang diễn ra một cách tốt đẹp", Maduro nói thêm.
Trước đó, chính quyền Maduro và phe đối lập đã tổ chức vài vòng đàm phán tại Na Uy nhưng chưa đạt được thỏa thuận do nhiều bất đồng chưa thể khỏa lấp. Phe đối lập được cho là yêu cầu Maduro phải từ chức trong bất cứ phương án chính trị nào cho Venezuela.
Một tàu lặn biển của Nga. (Ảnh minh họa)
Nga xác nhận 14 thủy thủ hy sinh để dập lửa trên tàu ngầm bị cháy: "Thủy thủ đoàn đã hành động anh hùng trong tình thế nguy cấp. Họ sơ tán một nhân viên dân sự khỏi khoang đang chìm trong lửa và khóa cửa phía sau người này để ngăn ngọn lửa lan rộng tới các khu vực khác của tàu", Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu ngày 3/7 chia sẻ thông tin về vụ cháy tàu ngầm Nga ngày 1/7. "Các thủy thủ đã hy sinh tính mạng để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn: Dập tắt ngọn lửa, cứu sống đồng đội và cứu cả con tàu", ông nói thêm.
Theo Bộ trưởng Shoigu, 14 thủy thủ thiệt mạng đều sẽ được nhận huân chương nhà nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cho hay trong số những người thiệt mạng trên tàu có hai Anh hùng Nga và 7 đại tá hải quân, khẳng định đây là mất mát lớn lao của cả đất nước.
Tờ Komsomolskaya Pravda của Nga trước đó cũng dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng 14 thủy thủ Nga đã chấp nhận hy sinh mạng sống để cứu tàu ngầm và những đồng đội khác trên tàu bằng cách khóa module bị cháy để ngăn khói lửa tràn sang các khoang khác của tàu ngầm.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420 km về phía Nam. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Iran để ngỏ khả năng tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân: Ngày 3/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 nếu các bên còn lại tiếp tục tuân thủ.
Theo nhà lãnh đạo Iran, nếu các bên còn lại (gồm 4 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) trở lại tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận, Tehran sẽ giảm lượng uranium làm giàu xuống dưới ngưỡng 300 kg ghi trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani cũng cảnh báo nếu các bên còn lại không tuân thủ đầy đủ cam kết của mình thì ngày 7/7 tới, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ được hoạt động trở lại và "sẽ làm giàu uranium tới mức nào (Iran) muốn", cao hơn giới hạn 3,67% đã thỏa thuận. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc Iran giảm cam kết trong thỏa thuận không nhằm phá bỏ, mà chính là để bảo vệ văn kiện này.
Tổng thống Iran kêu gọi Mỹ và châu Âu nên trở lại bàn đàm phán, tuân thủ luật pháp và thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân.