Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

(Baohatinh.vn) - New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường; Lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn các tay súng IS... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 17/3 - 23/3/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: Money Control)

New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường: Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 21/3 công bố kế hoạch cấm vũ khí bán tự động và súng trường tấn công.

Hành động cương quyết này được nhà chức trách New Zealand đưa ra sau vụ xả súng khủng bố tại thành phố Christchurch làm 50 người thiệt mạng vào tuần trước.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bắt đầu vào ngày 11/4 tới, nước này sẽ áp dụng các điều luật với trong việc quản lý súng. Trong đó nổi bật là việc cấm các loại vũ khí có công năng tương tự như súng quân sự và có khả năng sát thương lớn.

Chính phủ New Zealand cũng cho người dân một khoảng thời gian để giao nộp hoặc bán lại những vũ khí loại này. Hết thời hạn quy định, những ai còn sở hữu các loại vũ khí bị cấm sẽ bị phạt tới 4.000 NZD (đô la New Zealand) và có thể bị phạt tù lên đến 3 năm.

Tiếp sau bước đi này, trong tuần tới, Chính phủ New Zealand cũng sẽ thắt chặt việc cấp giấy phép sở hữu cũng như mua bán súng để bất kỳ ai sở hữu vũ khí nguy hiểm này đều cần phải được sự đồng ý của cảnh sát. Đồng thời, New Zealand cũng có kế hoạch đăng ký súng để quản lý tốt hơn loại vũ khí có tính sát thương này.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Lực lượng SDF trong chiến dịch tấn công tại làng Baghouz, nơi cố thủ cuối cùng của IS tại miền Đông Syria, ngày 18/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn các tay súng IS: Ông Mazloum Kobane - người đứng đầu Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ngày 23/3 thông báo lực lượng này đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng ở miền Đông Syria.

Tuy nhiên, ông lưu ý cuộc chiến chống IS bước sang một giai đoạn mới.

SDF cam kết tiếp tục triển khai các chiến dịch an ninh và quân sự nhằm tiêu diệt tận gốc rễ các phần tử thánh chiến- những đối tượng cực đoan "ngủ đông," rút vào hoạt động ngầm.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ Syria đối thoại, công nhận chính quyền tự trị người Kurd tại nơi mà SDF kiểm soát ở miền Đông Bắc nước này.

IS từng kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này đã hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp trước các chiến dịch riêng rẽ của liên quân do Mỹ dẫn đầu và quân đội Syria được Nga hậu thuẫn, đánh mất các thành trì quan trọng tại Iraq và phải co cụm tại khu vực nhỏ ở Đông Syria.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Ảnh minh họa: Medium

Philippines chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế: Ngày 17/3, Philippines đã chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), trở thành quốc gia thứ hai rút khỏi tòa án này.

Theo quy định của ICC, việc rút khỏi tòa án sẽ có hiệu lực 1 năm sau khi Philippines thông báo với Liên hợp quốc về quyết định này.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Eri Kaneko cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc mới đây đã thông báo tới tất cả các quốc gia liên quan rằng việc Philippines rút khỏi ICC sẽ có hiệu lực vào ngày 17/3.

Manila đã đưa ra quyết định trên sau khi ICC mở cuộc điều tra đối với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2018.

ICC được thành lập năm 2002 là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Năm 2017, Burundi đã trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi ICC. Tiếp đó, những nước châu Phi khác, như Zambia, Nam Phi, Kenya và Gambia đều có động thái hoặc tỏ ý muốn rút khỏi ICC.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Kazakhstan bất ngờ từ chức sau gần 30 năm cầm quyền: Ngày 19/3, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã bất ngờ tuyên bố từ chức sau gần 30 năm cầm quyền.

Ông Nursultan Nazarbayev đã làm Tổng thống Kazakhstan từ khi quốc gia này độc lập vào năm 1991 và đây là nhiệm kỳ thứ 5 ông giữ cương vị Tổng thống quốc gia Trung Á này.

Ngày 20/3, trong một buổi lễ trang trọng tại thủ đô Astana, Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, nắm quyền điều hành đất nước.

Theo kế hoạch, Tổng thống lâm thời Tokayev, 65 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí này cho đến khi Kazakhstan tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 4/2020.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, ông Tokayev đã đề xuất đổi tên thủ đô Astana thành "Nursultan" để vinh danh tổng thống đầu tiên của đất nước - ông Nursultan Nazarbayev, ghi nhận những cống hiến to lớn của ông cho Kazakhstan.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Lễ khai trương văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Kaesong.(Ảnh: Hankyoreh)

Triều Tiên bất ngờ rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều: Giới chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên ngày 22/3 đã đột ngột rút các nhân viên của nước này ra khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều.

Diễn biến mới này có nguy cơ làm tổn hại quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, gây khó khăn cho chính sách ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trước đó, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận chung do bất đồng về các biện trừng phạt giữa hai bên.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, đại diện phía Triều Tiên đã thông báo cho họ trong cuộc gặp vào ngày 22/3 về việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều theo chỉ thị từ các cấp cao hơn. Vẫn chưa rõ việc rút các nhân viên từ phía Triều Tiên chỉ là tạm thời hay lâu dài. Phía Triều Tiên cho biết họ “không quan tâm đến việc đội ngũ nhân viên của Hàn Quốc sẽ rời khỏi hay tiếp tục làm việc tại văn phòng” và sẽ thông báo cho Seoul về các vấn đề phát sinh sau đó.

Văn phòng liên lạc liên Triều được mở ở thành phố Kaesong vào tháng 9/2018 như một phần của các bước đi tái hòa giải. Đây cũng là văn phòng liên lạc chung đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1945. Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Cho Myong Gyon khi đó gọi đây là "một biểu tượng khác cho hòa bình được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc".

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Hiện trường vụ nổ tại nhà máy hóa chất ở Diêm Thành, Trung Quốc ngày 22/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc khiến 64 người chết: Vụ việc xảy ra lúc 14h50 ngày 21/3 tại nhà máy phân bón trong khu công nghiệp hóa chất ở thành phố thuộc tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc. Theo truyền thông địa phương, nhà máy đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Tại cuộc họp báo sáng 23/3, giới chức thành phố Diêm Thành, Trung Quốc cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ nhà máy phân bón nói trên hiện lên tới 64 người.

Đài truyền hình nhà nước CCTV đăng tải hình ảnh nhiều cửa sổ của các ngôi nhà gần đó bị vỡ do áp lực của vụ nổ. Theo CCTV, vụ nổ cũng gây nhiều đám cháy nhỏ trong khu công nghiệp hóa chất và khí độc đã bắt đầu lan rộng tại hiện trường. Theo một số nguồn tin, vụ nổ thậm chí còn tạo nên một trận động đất nhỏ có cường độ 2,2.

Hãng Tân Hoa Xã dẫn lời giới chức thành phố Diêm Thành cho biết trong số những nạn nhân thiệt mạng, có 26 trường hợp đã được xác minh danh tính. Một người đã được giải cứu vào sáng cùng ngày. Vụ nổ cũng khiến 94 người bị thương, trong đó có 21 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, 640 người phải điều trị y tế do bị ảnh hưởng.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Xung đột giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình Áo vàng trên Đại lộ Champs-Elysees. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Pháp cấm các cuộc biểu tình "Áo Vàng" ở nhiều thành phố: Lực lượng "Áo vàng" tại Pháp ngày 23/3 cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình, bất chấp việc chính phủ nước này cam kết không nhân nhượng đối với các hành vi phá hoại sau các vụ bạo động quy mô lớn xảy ra ở thủ đô Paris cuối tuần qua.

Tuyên bố này của lực lượng "Áo vàng" được đưa ra sau khi cảnh sát thành phố Paris cấm lực lượng trên biểu tình tại một khu vực rộng lớn ở phía Tây thành phố, trong đó có Đại lộ Champs-Elysees, nơi diễn ra các vụ cướp phá của hàng trăm người biểu tình hồi tuần trước, cũng như phủ tổng thống và tòa nhà quốc hội.

Theo cảnh sát Pháp, ngoài thủ đô Paris, những lệnh cấm tương tự cũng đã được áp dụng tại những thành phố khác như Toulouse, Bordeaux, Dijon, Rennes và Nice.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã thông báo kế hoạch tiếp tục triển khai binh lính thuộc lực lượng chống khủng bố để bảo vệ các cơ sở công cộng nhằm hỗ trợ cảnh sát đối phó với những người biểu tình "Áo vàng."

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

EU đồng ý hoãn Brexit đến 22/5 nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận. (Ảnh: Politico EU)

EU đưa ra 2 kịch bản về Brexit cho Anh chọn lựa: Các lãnh đạo EU ngày 21/5 đưa ra hai kịch bản gia hạn Brexit và cá nhân Thủ tướng Anh Theresa May đã chấp nhận.

Kịch bản thứ nhất là hoãn Brexit đến ngày 22/5 nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận ly dị vào tuần tới. Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, nước Anh sẽ rời EU trong trật tự vào ngày 22/5, một ngày trước cuộc bầu cử EP.

Kịch bản thứ hai, trong trường hợp Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận hoặc không bỏ phiếu, thì nước Anh sẽ có thời gian tới ngày 12/4 để trình bày kế hoạch của mình, quyết định tổ chức hay không tổ chức cuộc bầu cử EP. Theo kịch bản thứ hai, ngày định mệnh Brexit 29/3 được chuyển sang 12/4.

Tối 21/3, Thủ tướng Theresa May đã chấp nhận 2 kịch bản mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với yêu cầu lùi thời hạn Brexit. Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị EU lui thời điểm "ly hôn" cho tới ngày 30/6. Mục tiêu của việc gia hạn là tận dụng thời gian để buộc các nghị sĩ Anh hoàn thành việc bỏ phiếu cho thỏa thuận với EU.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Tòa án trung tâm quận Seoul ngày 7/8/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Hàn Quốc xử phúc thẩm cựu Tổng thống Park Geun-hye từ cuối tháng 5: Phiên tòa phúc thẩm liên quan tới các cáo buộc cựu Tổng thống Park Geun-hye nhận những khoản quỹ phi pháp từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5. Ngày 18/3, Tòa án cấp cao Seoul đã lên lịch phiên thẩm vấn đầu tiên của phiên xử phúc thẩm bà Park Geun-hye vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/5.

Bà Park Geun-hye, đã bị luận tội năm 2017 vì vai trò trong vụ bê bối dùng ảnh hưởng để gây sức ép nghiêm trọng, đến tháng 7/2018 đã bị tuyên án 6 năm tù giam và phạt 3,3 tỷ won (2,9 triệu USD).

Tháng 1/2018, bà Park Geun-hye bị các công tố viên cáo buộc nhận hối lộ và làm thất thoát ngân quỹ quốc gia bằng hành động nhận 3,5 tỷ won (3 triệu USD) từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016.

Tòa án cấp dưới đã tuyên trắng án với bà Park Geun-hye trong nghi án nhận hối lộ, cho rằng các quỹ của NIS được chi ra mà không nhận lại được đặc ân gì, nhưng cáo buộc cựu Tổng thống đã làm thất thoát ngân sách quốc gia.

Bà Park Geun-hye hiện đang chịu án tù 25 năm vì các tội danh liên quan tới tham nhũng và 2 năm tù vì tội vi phạm luật bầu cử khi can thiệp vào việc lựa chọn ứng cử viên cho đảng cầm quyền trong Chính phủ tiền nhiệm là Đảng Hàn Quốc tự do.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand cấm vũ khí bán tự động và súng trường

Nhà toán học Karen Uhlenbeck tại Princeton, New Jersey, Mỹ, ngày 18/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên một phụ nữ đoạt giải thưởng Toán học Abel danh giá: Sáng 20/3 (theo giờ Việt Nam), Viện hàn lâm khoa học Na Uy đã công bố chủ nhân giải thưởng Toán học Abel 2019 - đó là bà Karen Uhlenbeck - một nhà Toán học người Mỹ, với công trình nghiên cứu về các phương trình vi phân.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 16 năm tồn tại, giải thưởng này được trao cho một phụ nữ.

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Abel Hans Munthe-Kaas nêu rõ: "Bà Karen Uhlenbeck nhận giải thưởng Abel 2019 cho công trình nghiên cứu cơ bản về giải tích hình học và lý thuyết trường chuẩn, những điều đã làm thay đổi đáng kể diện mạo toán học.

Những lý thuyết của bà đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu của chúng ta về những bề mặt rất nhỏ, như những thứ được tạo nên từ những bong bóng xà phòng và những vấn đề vi mô tổng quan hơn trong các kích thước cao hơn."

Nhà Toán học Karen Uhlenbeck, 76 tuổi, là học giả nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại trường Đại học Princeton và Viện nghiên cứu cao cấp (IAS) của Mỹ.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.