Tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vừa được Gibraltar thả, tàu dầu Grace 1 của Iran lại bị Mỹ phát lệnh bắt: Bộ Tư pháp Mỹ ngày 16/8 đã phát lệnh bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Theo đó, toàn bộ số dầu cùng 995.000 USD tiền mặt trên tàu sẽ bị tịch thu vì cáo buộc vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA), gian lận ngân hàng, rửa tiền và hỗ trợ các tổ chức khủng bố.
Theo truyền thông Anh, tàu Grace 1 được thả hôm 15/8 sau khi chính quyền Gibraltar nhận được sự đảm bảo từ thuyền trưởng tàu Grace 1 rằng con tàu sẽ không chở hàng hóa tới Syria. Các thủy thủ của tàu cũng được trả tự do.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 16/8 nói rằng, Iran đã không đưa ra đảm bảo nào về việc tàu Grace 1 sẽ không tới Syria sau khi nó được thả.
Mỹ được cho là đã đưa ra nỗ lực vào phút chót nhằm bắt tàu Grace 1 chỉ vài giờ ngay trước khi Gibraltar tuyên bố sẽ thả con tàu này. Tàu Grace 1 ngày 16/8 neo đậu ở Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh. Hiện chưa rõ Mỹ tiến hành lệnh bắt như thế nào.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát một vụ phóng tên lửa trước đây. (Ảnh: ABC)
Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo: Quân đội Hàn Quốc cho biết, sáng 16/8, Triều Tiên đã phóng ít nhất hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra phía biển Nhật Bản.
Truyền thông Nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 17/8 cho biết, đích thân Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ thử vũ khí mới nhất này.
Đây cũng là vụ thử vũ khí thứ 6 của nước này kể từ cuối tháng 7 vừa qua nhằm phản ứng với tiến triển chậm chạp của tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ, cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Dù tới nay chính quyền Mỹ vẫn tuyên bố các vụ thử của Triều Tiên vẫn nằm trong “tiêu chuẩn”, song các chuyên gia lo ngại tình hình này nếu tiếp diễn sẽ làm phức tạp các nỗ lực tái khởi động đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã lên án Ấn Độ vi phạm luật quốc tế. (Ảnh: AFP)
Pakistan cảnh báo chiến tranh với Ấn Độ: Chính phủ Pakistan hôm 14/8 cảnh báo chiến tranh với Ấn Độ nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào khu vực Kashmir do nước này kiểm soát.
Đây là một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Pakistan, bởi cách đây chỉ 1 tuần, nước này vẫn tuyên bố ưu tiên cho các lựa chọn chính trị, ngoại giao và pháp lý nhằm chấm dứt những căng thẳng hiện nay liên quan tới Kashmir. Khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống này từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan khi cả 2 nước đều muốn tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức cao nhất kể từ sau quyết định của chính phủ Ấn Độ hồi đầu tháng bãi bỏ quy chế đặc biệt dành cho khu vực Kashmir. Dù Ấn Độ cho rằng việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây, song Pakistan lại chỉ trích những biện pháp này là bất hợp pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO: Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu các điều kiện không được cải thiện.
"Chúng ta sẽ rời đi nếu chúng ta buộc phải làm vậy", Tổng thống Trump khẳng định trong cuộc trò chuyện với các công nhân khi tới thăm nhà máy hóa chất Shell ở Pennsylvania.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần công kích WTO cũng như đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức này khi cho rằng Mỹ đã bị đối xử không công bằng và khẳng định Washington không cần phải tuân theo các quy định của WTO.
Ông Trump đặc biệt chỉ trích các điều khoản dành cho Trung Quốc khi nước này tham gia WTO, cũng như phàn nàn về việc các công ty Trung Quốc "trộm cắp" công nghệ Mỹ.
Ký kết thỏa thuận cuối cùng kết thúc khủng hoảng ở Sudan. (Ảnh Skynews)
Sudan đạt thoả thuận lịch sử, người dân đổ về Thủ đô ăn mừng: Với người Sudan, ngày 17/8 sẽ đi vào lịch sử. Một trang mới trong đời sống chính trị ở Sudan khi các lực lượng đạt được thỏa thuận cuối cùng cho giai đoạn chuyển tiếp và ra tuyên bố Hiến pháp. Đại diện cộng đồng quốc tế, các nước Arab, trung gian hòa giải Ethiopia, Liên minh Châu Phi chứng kiến thời khắc lịch sử này.
Thỏa thuận được ký bởi Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự Sudan Mohamed Hamdan Dagalo, cùng với người đứng đầu lực lượng tự do và thay đổi Ahmed Rabie. Thỏa thuận đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài 39 tháng ở Sudan.
Thỏa thuận đạt được trên cơ sở chia sẻ quyền lực giữa các lực lượng chính trị. Mặc dù con đường đến với hòa bình, ổn định vẫn còn nhiều trở ngại nhưng hàng ngàn người dân Sudan từ khắp nơi đã đổ về thủ đô Khartoum trong dịp này để ăn mừng.
Mỹ bất ngờ hoãn đánh thuế với một số mặt hàng Trung Quốc. (Ảnh: EPA)
Mỹ bất ngờ tuyên bố hoãn tăng thuế hàng hóa Trung Quốc: Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo Washington sẽ hoãn tăng thuế 10% với một số hàng hóa Trung Quốc cho đến ngày 15/12 thay vì đầu tháng 9.
"Trong quá trình đánh giá và điều trần công khai của văn phòng thương mại, quyết định được đưa ra là việc đánh thuế sẽ được hoãn lại cho tới ngày 15/12 với một số mặt hàng nhất định. Các sản phẩm trong nhóm này bao gồm: điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép và quần áo", tuyên bố từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra hôm 13/8 nêu rõ.
Một số mặt hàng khác cũng sẽ được đưa ra khỏi danh sách bị đánh thuế dựa trên các tiêu chí về “sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia và các yếu tố khác". Trước đó, Tổng thống Trump khiến thị trường thế giới chao đảo vào sáng 2/8 với tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9.
Tắc đường ở Jakarta. (Ảnh: Jakarta Post)
Tổng thống Indonesia chính thức đề xuất lên Quốc hội kế hoạch dời đô: Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 16/8 chính thức đề xuất với Quốc hội về kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java về Kalimantan trên đảo Borneo.
Tổng thống Indonesia Widodo đã đưa ra đề xuất này trong bài phát biểu trước Quốc hội, một ngày trước khi đất nước kỷ niệm 74 năm ngày độc lập.
Thủ đô hiện tại là Jakarta nằm trên đảo Java hiện đang trở nên quá tải vì dân số đông dẫn tới nạn kẹt xe. Thêm vào đó, việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố ngày càng lún nhanh hơn. Chính quyền của ông Widodo đã tính đến việc dựng những bức tường khổng lồ để ngăn nước biển tràn vào Jakarta trong tương lai song song với việc chọn thủ đô mới.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Sung Yun-mo. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy: Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Sung Yun-mo ngày 17/8 cho biết Seoul đã báo trước với Tokyo về kế hoạch đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách về các đối tác thương mại tin cậy và sẵn sàng đàm phán thêm với Nhật Bản nếu cần thiết.
Trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko ngày 15/8 cho biết nước này đã đề nghị Hàn Quốc giải thích rõ hơn về lý do Hàn Quốc sẽ loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng quy chế ưu đãi trong thương mại.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao này cho hay Nhật Bản không định tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương, nói rằng "đó không phải là vấn đề có thể được quyết định hoặc thay đổi thông qua các cuộc tham vấn."
Hàn Quốc dự định vào tháng Chín này sẽ loại quốc gia láng giềng khỏi "Danh sách Trắng" gồm 29 quốc gia được hưởng ưu đãi về thủ tục xuất khẩu và đưa Nhật Bản vào một danh sách mới khác. Hàn Quốc tuyên bố để ngỏ các cuộc tham vấn nếu Nhật Bản yêu cầu, trong khi vẫn tiến hành lấy ý kiến công chúng trước khi thay đổi này có hiệu lực.
Người Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong ở Ukhia, Bangladesh, ngày 25/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
LHQ tái khởi động kế hoạch hồi hương người Rohingya về Myanmar: Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ngày 16/8 cho biết Myanmar và Bangladesh đang tiến hành nỗ lực lần thứ 2 nhằm bắt đầu hồi hương cho khoảng 700.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi Myanmar sang Bangladesh gần 2 năm trước.
Trao đổi với báo giới, bà Caroline Gluck, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, cho biết Chính phủ Bangladesh đề nghị cơ quan này giúp thẩm tra 3.450 người đã đăng ký tình nguyện hồi hương. Bà nói thêm rằng danh sách đã được lọc từ 22.000 cái tên mà Bangladesh gửi cho phía Myanmar để xác minh.
Theo bà Gluck, vẫn chưa rõ khi nào sẽ bắt đầu đợt hồi hương vì cần phải tìm kiếm và kiểm tra tất cả các cá nhân và trên thực tế là Bangladesh đang đón kỳ nghỉ lễ lớn. Do đó, việc này cũng có thể bị trì hoãn như hồi năm 2018.
Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Jeremy Corbyn. (Ảnh: Sky News)
Công đảng Anh kêu gọi bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson: Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Jeremy Corbyn ngày 14/8 kêu gọi Nghị viện bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson nhằm ngăn chặn kịch bản một Brexit cứng, tức là Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận. Tuyên bố này phần nào cho thấy bức tranh chính trị rối ren tại nước Anh hơn 3 năm sau khi cử tri nước này lựa chọn rời ngôi nhà chung châu Âu.
Trong thư gửi tới các nghị sĩ hàng đầu ủng hộ châu Âu và có quan điểm ôn hòa, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lưu ý tới hậu quả kinh tế của một kịch bản Brexit không thỏa thuận, đồng thời kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Theo ông Corbyn, Chính phủ hiện nay không được phép đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận và cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 cũng không trao cho họ quyền này. Đây chính là lý do khiến ông muốn Nghị viện Anh bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson và bỏ phiệu tín nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo một chính phủ tạm quyền “có giới hạn thời gian”. Mục đích là kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử và kéo dài thời hạn Brexit cần thiết để đảm bảo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cùng với thỏa thuận.