Thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh vừa trở thành bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của tỉnh triển khai thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não. Theo đó, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục đào tạo chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết cho các bệnh viện tuyến huyện đủ điều kiện.

Thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não ở Hà Tĩnh

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh

Bệnh nhân Chu Thị Sằng (74 tuổi, ở xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh trong tình trạng hoa mắt, méo miệng, liệt nhẹ một bên cơ thể. Bệnh nhân được xác định đột quỵ do nhồi máu não.

Vì được người nhà đưa đến trong giai đoạn “giờ vàng”, bệnh nhân đã được các bác sỹ chỉ định thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết. Với sự giúp đỡ của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kíp bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đã thực hiện thành công kỹ thuật này.

Sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân Sằng đã nhanh chóng hồi phục, không để lại di chứng. Đến nay, bà đã tham gia lao động và sinh hoạt bình thường.

Sau bệnh nhân Sằng, có thêm 1 bệnh nhân khác được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh.

Thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não ở Hà Tĩnh

Lãnh đạo ngành Y tế Hà Tĩnh khảo sát việc triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Hương Sơn

Bs. Đặng Diên - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh) cho biết: Tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ não đến Khoa Hồi sức cấp cứu ngày một tăng. Trước đây, đối với những bệnh nhân được nhập viện sớm trong giai đoạn “giờ vàng” là dưới 4,5 tiếng đồng hồ tính từ lúc khởi phát triệu chứng, bệnh viện sẽ chuyển ra Bệnh viện đa khoa tỉnh để thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết, còn nếu qua "giờ vàng" thì sẽ ở lại điều trị nội khoa.

Đối với những bệnh nhân không được điều trị tiêu sợi huyết, mặc dù được cứu sống nhưng thường để lại di chứng nặng nề là liệt nửa người, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Việc triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết này tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh là rất cần thiết, cấp bách đối với bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não, giúp cấp cứu kịp thời và hạn chế thấp nhất những di chứng do đột quỵ.

Thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não ở Hà Tĩnh

Ký kết phối hợp giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh

Ths. Hoàng Quang Trung – PGĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến huyện là rất cần thiết, bởi khi bị nhồi máu não cứ một phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết đi. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị hiệu quả nhất chính là “tái tưới máu cho não” bằng phương pháp tiêu sợi huyết.

Tại bệnh viện tuyến huyện, điều kiện cần thiết để triển khai kỹ thuật này ngoài đội ngũ bác sỹ có kinh nghiệm, bệnh viện phải có máy chụp CT để xác định bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não hay bị xuất huyết não. Bởi tiêu sợi huyết chỉ được dùng cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não.

Hiện nay, ngoài Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh đã triển khai thường quy kỹ thuật tiêu sợi huyết, còn có 3 đơn vị (Bệnh viên đa khoa thành phố Hà Tĩnh, Bệnh viện đa khoa Hương Sơn và Bệnh viện đa khoa Hương Khê) sẽ được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao kỹ thuật này trong thời gian tới.

Được biết, trong 2 năm gần đây, nhiều gói kỹ thuật như trên đã được chuyển giao thành công cho các bệnh viện tuyến huyện thông qua chương trình chỉ đạo tuyến.

Cứ 6 người trong chúng ta sẽ có 1 người đột quỵ trong tương lai, cứ 6 giây trôi qua trên thế giới có 1 người chết vì đột quỵ não. Ở Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh, mỗi năm tiếp nhận cấp cứu khá nhiều bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đến trong thời điểm “giờ vàng” vẫn còn rất ít (dưới 5%) nên nhiều người mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng để lại di chứng rất nặng nề. Do đó khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết.

Đối với những trường hợp này, thời gian là tính mạng, bệnh nhân được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng càng cao. Gia đình tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó đã vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh.

Ths. Nguyễn Xuân Thái – Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc - BVĐK Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.