Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra diễn biến bệnh đạo ôn lá tại huyện Cẩm Xuyên
Tại huyện Cẩm Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã kiểm tra diễn biến của bệnh đạo ôn gây hại trên một số trà giống tại xã Cẩm Quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, mặc dù đến thời điểm này bệnh đạo ôn lá đã cơ bản được kiểm soát, song Cẩm Xuyên là vùng trọng điểm của dịch với diện tích nhiễm lớn nhất tỉnh (618 ha), tồn tại bộ giống lúa nhiễm và nhiều diện tích bị cháy lụi. Đây sẽ là nguy cơ cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh ở giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện phối hợp với ngành chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi quá trình sinh trưởng của các trà lúa để dự báo sớm và có chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông đúng thời điểm.
...và tại xã Thạch Văn (Thạch Hà)
Tại Thạch Hà, các trà lúa xuân đang phát triển ổn định. Nhờ chủ động công tác phòng trừ, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn trên toàn huyện so với các năm có giảm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý, huyện Thạch Hà phải thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không để xảy ra việc chủ quan trong công tác phòng trừ.
Đồng thời thực hiện phòng trừ theo đúng khuyến cáo về loại thuốc, quy trình và thời điểm trên từng trà lúa.
Tại huyện Can Lộc, nhiều nhóm giống nhiễm bệnh khá nặng
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đi kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa và công tác phòng trừ sâu bệnh tại Can Lộc. Qua kiểm tra, nhiều giống lúa trên địa bàn đã nhiễm đạo ôn lá khá nặng, huyện cần theo dõi chặt chẽ số diện tích này và giảm tối đa sự lây lan sang các giống khác.
Cùng với đó, một số trà sinh trưởng sớm, dự kiến sẽ trổ bông trước lịch thời vụ của tỉnh ban hành, kể cả những vùng thâm canh. Điều này không chỉ khiến nguy cơ cao lúa bị nhiễm đạo ôn cổ bông trong giai đoạn tới mà còn có khả năng gặp bất lợi thời tiết trong giai đoạn trổ, gây ảnh hưởng đến năng suất của bà con nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị ngành NN&PTNT thường xuyên bám sát đồng ruộng, phân công cán bộ theo từng địa bàn, nắm chắc quá trình trình sinh trưởng để dự báo thời điểm trổ bông của từng trà lúa, cũng như chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ đạo ôn cổ bông. Đồng thời, theo dõi các đối tượng dịch hại khác, có khuyến cáo kịp thời đến tận người dân.