Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành và địa phương liên quan.
Cả nước hiện có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau phiên họp lần thứ 9 của BCĐ vào ngày 16/2, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” và đạt được các kết quả tích cực.
Trong đó, các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục trong chuẩn bị đầu tư. Bộ TN&MT đã hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn thủ tục để sử dụng phần đất dôi dư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ GTVT thành lập tổ công tác để thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH-ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; đã thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài; có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Hiệp định vay ADB cho dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội; hướng dẫn về phân bổ, phê duyệt dự toán (tabmis) cho các dự án; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh triển khai di dời đường điện cao thế…
Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025.
Giai đoạn 2017 – 2020 có dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km, trong đó đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư.
Giai đoạn 2021 – 2025 có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng với chiều dài 102,38 km. Đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác kiểm đếm; công tác phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,91% và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 99,44%; hoàn thành xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang di dời các hộ dân và cất bốc ngôi mộ.
Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB tới nay 2.531,84/2.700,02 tỷ đồng (đạt 93,77%).
Hà Tĩnh đang đẩy nhanh quá trình giải quyết phần diện tích mặt bằng còn lại, di dời hạ tầng đường điện để bàn giao 100% cho chủ đầu tư. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phần tăng thêm ở đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng.
Tuy vậy, công tác GPMB vẫn còn khó khăn, một số dự án vẫn chưa đủ nguồn vật liệu đắp, công tác triển khai thi công của một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra, các thủ tục liên quan đến vốn vay các tổ chức quốc tế phức tạp, mất nhiều thời gian.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo, thảo luận kết quả thực hiện; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các thành viên BCĐ, nhất là ngành GTVT và các địa phương đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện thủ tục đầu tư, GPMB, đấu thầu, quản lý dự án, chăm lo cho cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, thời tiết hiện nay đã cơ bản thuận lợi cho việc triển khai thi công, các vướng mắc, khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành phối hợp giải quyết, những cơ chế chính sách đặc thù cũng đã nhận được sự đồng thuận của Quốc hội. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, ưu tiên tập trung triển khai các nhiệm vụ.
Các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị giải quyết dứt điểm công tác GPMB, phối hợp với các chủ đầu tư xác định mức độ ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đoạn tuyến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; phối hợp với Bộ Công Thương, EVN tổ chức di dời đường điện cao thế, ưu tiên các vị trí ảnh hưởng đến thi công.
Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với địa phương sớm hoàn thiện thủ tục bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ VLXD, chỉ đạo các doanh nghiệp dự án tập trung hoàn thiện các thủ tục, thi công “3 ca 4 kíp” bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Các bộ, ngành phối hợp với cơ quan có liên quan trong đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại kỳ họp tháng 4/2024; khẩn trương hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt; phối hợp với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án...