Chùa Lộc Sơn ở TDP 3, thị trấn Cẩm Xuyên đang được người dân địa phương lên kế hoạch đóng góp để trùng tu lại do có dấu hiệu xuống cấp.
Trên địa bàn thị trấn Cẩm Xuyên hiện có hơn 10 di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như đền thờ Bình Ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên, đền Cương Khấu Lộc Sơn, đền Hầu Thượng, đền Cát Khánh, Miếu Nhàng, chùa Lộc Sơn, giếng Chòm, giếng Đá…
Giếng Tiên ở TDP 3 cũng là một di tích đang được người dân địa phương nỗ lực gìn giữ.
Trong tâm thức người dân thị trấn Cẩm Xuyên, mỗi một di tích đều gắn với biết bao thăng trầm lịch sử của quê hương, để rồi người đi xa mỗi lần nghĩ về chốn quê lại thấy đau đáu, còn người ở lại cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm trong việc tôn tạo, gìn giữ những di tích ấy.
Vì thế, trên tiến trình xây dựng đô thị văn minh, chính quyền thị trấn Cẩm Xuyên đã chủ trương thực hiện việc tôn tạo, gìn giữ những di tích lịch sử, văn hóa để vừa giữ được dáng dấp của làng quê mà vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.
Miếu Nhàng (TDP 3) vừa được người dân hoàn thành việc tôn tạo vào tháng 4/2022.
Tại tổ dân phố (TDP) 3, tồn tại song song với dáng dấp một đô thị mới là hình ảnh thấp thoáng một làng quê cổ kính với những di tích được người dân gìn giữ như một gia tài quý báu.
Tâm điểm của không gian làng quê ấy chính là sự hiện hữu của 5 di tích: đền Cương Khấu Lộc Sơn, chùa Lộc Sơn, Miếu Nhàng, giếng Đá, giếng Tiên và nhiều nhà thờ họ trên địa bàn.
Người dân TDP 3 luôn thay phiên nhau dọn dẹp Miếu Nhàng.
Nằm ở phía Đông Nam của chân núi Lộc Sơn (thị trấn Cẩm Xuyên), đền Cương Khấu Lộc Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, dưới thời nhà Lê. Đây là nơi thờ phụng và tôn vinh nhân vật lịch sử Cương Quốc Công Nguyễn Xí, người có công lao vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc dưới 4 triều vua thời Lê.
Đền Cương Khấu Lộc Sơn hiện đang được tu bổ, tôn tạo với sự đóng góp của các cấp chính quyền và Nhân dân.
Đầu năm 2010, đền Cương Khấu Lộc Sơn được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, đền Cương Khấu Lộc Sơn có sự xuống cấp, vì thế, từ năm 2017, người dân địa phương cùng chính quyền đã bắt đầu đóng góp kinh phí để tôn tạo di tích lịch sử này.
Đến nay, đền Cương Khấu Lộc Sơn đang hoàn thành những công đoạn cuối trong đợt trùng tu này.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Tổ trưởng TDP 3 cho biết: “Thời gian qua, TDP đã họp bàn và nhận được sự đồng thuận từ Nhân dân, từ đó, mỗi gia đình lại trở thành cầu nối đến con em xa quê để cùng nhau đóng góp để tôn tạo những di tích. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, cùng góp công sức, dốc tâm huyết... tu sửa chốn thiêng di tích”.
Được biết, trong việc tu sửa đền Cương Khấu Lộc Sơn, người dân TDP 3 đã đóng góp hơn 100 triệu đồng cùng với 100 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh và 500 triệu đồng của thị trấn Cẩm Xuyên để xây dựng nhiều hạng mục như tường rào, nhà rửa lễ, lát sân, xây kè cho hồ trước đền… Dự kiến việc tu sửa sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2022.
Ngoài ra, trên địa bàn TDP 3 cũng vừa hoàn thành việc tu sửa Miếu Nhàng hơn 300 triệu đồng đóng góp từ Nhân dân, giếng Đá khoảng 25 triệu đồng…
Ông Lê Hoàng Năng (91 tuổi, ở TDP 5) trải lòng, thế hệ người cao tuổi như ông rất lo sợ thời gian sẽ làm mất đi những giá trị của các di tích văn hóa của quê hương. Vì vậy, khi nhìn thấy những di tích được Nhân dân và chính quyền cùng đóng góp kinh phí để tôn tạo, góp công sức để gìn giữ thì ông cảm thấy rất vui mừng. Bởi theo ông, dù xã hội có đổi thay như thế nào thì việc lưu giữ những nét quê, những di tích là điều rất cần thiết, để những di tích luôn là địa chỉ giáo dục con cháu sau này về giá trị của lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc, quê hương.
Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên tại TDP 5 là chốn linh thiêng mang nhiều giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Tại TDP 5, thị trấn Cẩm Xuyên, đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên được Nhân dân trong vùng chăm lo, gìn giữ hết sức chu đáo bởi nơi đây là chốn linh thiêng, mang giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Theo sử sách, đền thờ được Nhân dân xây dựng vào thế kỷ XV để tưởng nhớ công lao của Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Năm 2003, đền được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia. Năm 2016, đền được tu bổ, phục dựng nhưng vẫn giữ lại các nét kiến trúc xưa. Được biết, tổng kinh phí để tu bổ đền khoảng hơn 600 triệu đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 100 triệu đồng.
Ông Lê Thiếu Kỳ cùng người dân TDP 5 luôn gìn giữ đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên cẩn thận, chu đáo.
Là người thường xuyên trông nom, dọn dẹp đền, ông Lê Thiếu Kỳ (SN 1943, ở TDP 5) cho biết: “Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên có vị trí rất quan trọng trong lòng người dân địa phương bởi những giá trị linh thiêng và sự gắn kết cộng đồng mà ngôi đền đem lại. Vì vậy, cùng với Nhân dân TDP 5, tôi luôn cố gắng gìn giữ, quét dọn cẩn thận để ngôi đền luôn là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, trao truyền, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Địa phương luôn quan tâm tới công tác gìn giữ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Từ 2015 đến nay, nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo từ nguồn địa phương và Nhân dân đóng góp với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Việc gìn giữ, trùng tu các di tích nhằm đảm bảo độ bền vững, giữ được giá trị của di tích mãi trường tồn với thời gian. Các di tích là nơi để thế hệ sau hiểu về cội nguồn, tiếp tục việc gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên