Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh mặt hàng này khá ảm đạm, giảm về sản lượng, doanh thu.
Hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải
Nguyên nhân được đưa ra là sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 kinh tế khó khăn hơn, giá nhiều loại vật liệu tăng cao nên hoạt động xây dựng (cả dự án đầu tư vốn ngân sách và dự án đầu tư tư nhân) không khởi công hoặc chậm thi công.
Theo khảo sát thị trường, hiện nay, giá một số loại vật liệu xây dựng đã bao gồm thuế như sau: thép cây 17,6 - 18 triệu đồng/tấn; thép cuộn 17 triệu đồng/tấn; xi măng 1,5 - 1,9 triệu đồng/tấn... |
Là một trong những đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng lớn tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà) cũng đang gặp khó ở mảng kinh doanh này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc công ty thông tin: Hiện nay, dù giá thép giảm sâu nhưng giá xi măng, giá cước vận chuyển vẫn ở mức cao nên nhiều công trình thi công “chững” lại.
Thép cuộn có giá 17 triệu đồng/tấn.
Tình hình cũng không mấy khá hơn, ông Nguyễn Tiến Lâm - quản lý kinh doanh Công ty TNHH Thương mại vận tải Bình Nguyên (Thạch Hà) cho biết: Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng của công ty khá ảm đạm, doanh thu giảm 30 - 40% so với trước đây. Thời điểm này, việc khởi công mới các công trình không nhiều, riêng tháng 7 âm lịch, các công trình của tư nhân gần như không khởi công càng khiến thị trường trầm lắng.
Được biết, hiện nay, với các chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và địa phương, tình hình vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn Hà Tĩnh có sự tăng trưởng đáng mừng.
Giá xi măng hiện đang tăng cao, dao động ở mức 1,5 - 1,9 triệu đồng/tấn.
Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 7/2022 đạt 518,77 tỷ đồng, tăng 6,29% so với tháng trước và tăng 17,61% so với cùng kỳ năm 2021. Dự ước 7 tháng năm 2022, nguồn vốn này ước đạt 2.862,81 tỷ đồng, đạt 38,22% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số tăng trưởng này đã chứng minh những giải pháp điều hành về giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu phát huy được hiệu quả. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có thể “nhen nhóm” hi vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và địa phương, những dự án đầu tư công sẽ được triển khai tích cực ở cả những công trình khởi công mới và công trình đang thi công.
Các dự án đầu tư công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để có khối lượng giải ngân.
“Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi chỉ xuất bán 1 chuyến hàng vật liệu trên dưới 10 tấn nên khá khó khăn. Những tín hiệu mới từ các chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, chúng tôi rất hi vọng thị trường sẽ sôi động hơn từ việc khởi công các công trình để hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm” - ông Nguyễn Minh Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Chiến (TP Hà Tĩnh) chuyên cung cấp vật liệu xây dựng bày tỏ.
Với dư địa giải ngân từ nay đến cuối năm còn hơn 60% tổng nguồn vốn, nếu được đẩy nhanh theo các chỉ đạo, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc phục hồi và tăng trưởng của ngành VLXD nói riêng, đóng góp cho ngành kinh tế nói chung.
Được biết, để đón đầu thị trường, các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn đang tăng cường kết nối, giới thiệu sản phẩm đến các đối tác, chủ đầu tư để đưa doanh thu tăng trưởng hơn trong những tháng cuối năm.