Một bộ phận không nhỏ giới trẻ nhận thức lệch lạc, cổ xuý, tôn sùng cái xấu (trong ảnh là một nhóm học sinh thể hiện sự cuồng nhiệt với "giang hồ mạng" Khá Bảnh). Ảnh Internet
Có thể thấy rất rõ, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, xã hội ngày nay đang thiếu những chuẩn mực đạo đức mới. Một bộ phận giới trẻ lại nôn nóng đi tìm những chuẩn mực đạo đức mới, lạ.
Tuy nhiên, họ lại không nhận được sự đồng hành giáo dục hợp lý, hợp thời của gia đình, nhà trường. Không được trang bị kỹ năng phân tích, nhận định, đánh giá những hành vi, hiện tượng trên mạng xã hội để nhận biết đâu là đúng, đâu là sai. Rốt cuộc là đã có một bộ phận không nhỏ giới trẻ chạy theo, cổ xúy những trào lưu tiêu cực, dị hợm, kỳ quặc trên mạng xã hội.
Tình trạng này thực ra đã diễn ra từ rất lâu, tuy tần suất, mức độ ảnh hưởng không lớn như bây giờ nhưng đã để lại những vết thương sâu. Còn nhớ, năm 2014, có rất nhiều người trẻ “phát cuồng” vì “hiện tượng âm nhạc Lệ Rơi”; đến năm 2015 thì lại hùa nhau đẩy view cho clip dàn dựng lại cảnh sát thủ Nguyễn Hải Dương và đồng bọn sát hại gia đình người yêu.
Nguy hại hơn là tình trạng a dua phong trào “Việt Nam nói là làm” của một số người trẻ thách thức nhau làm những trò quái đản như châm lửa đốt trường, nhảy sông tự vẫn cách đây vài năm v.v… Nghĩa là, người trẻ bị cuốn vào cái yếu tố mới, lạ mà không cần biết đúng, sai, chỉ cần nó hấp dẫn và thỏa mãn một nhu cầu nào đó.
Những chỉ dẫn đạo đức từ gia đình và nhà trường bị xem nhẹ nên một bộ phận không nhỏ giới trẻ bị lệch chuẩn, có những hành vi vi phạm đạo đức, điển hình là nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng. Minh hoạ từ Internet
Tình trạng đó, trong thời gian gần đây lại rộ lên một cách đáng báo động khi giới trẻ “đổ xô” tìm kiếm những thông tin, lời nói, hình ảnh và nhất là những clip được dàn dựng khá công phu về những hoạt động bạo lực, giang hồ và thần tượng những nhân vật “yêng hùng” như Khá Bảnh, Phúc XO, Dương Minh Tuyền…
Tiếp tay cho những hành vi, những con người đó chính là “truyền thông bẩn”. Một số đơn vị truyền thông chạy theo lợi nhuận mà chủ động dàn dựng kịch bản, sản xuất ra những clip để các đối tượng “giang hồ mạng” có thể nhử, bẫy, dẫn dắt một bộ phận người trẻ còn non nớt trong nhận thức, đi theo những lối suy nghĩ, hành động ngược với chuẩn mực đạo đức truyền thống. Thực tế đó đã tác động tiêu cực không chỉ đối với hành vi, nhận thức mà cả trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của giới trẻ.
Sự buông lỏng của gia đình, nhà trường, sự lệch lạc trong suy nghĩ cũng khiến một bộ phận giới trẻ ngộ nhận, ảo tưởng về giá trị của bản thân. Họ tự cho mình cái quyền được đúng trong mọi suy nghĩ, hành động. Tình trạng trẻ em sống buông thả, nghiện ngập, bạo lực ngày càng nhiều. Số vụ việc bạo hành học đường ngày càng tăng và nguy hại hơn là đã hình thành nên một bộ phận người trẻ thích sống ảo, thờ ơ, vô cảm trước người yếu thế.
Giới trẻ đang rất cần những chỉ dẫn đạo đức từ chính gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Trong ảnh: Phong trào thanh niên tình nguyện thu hút giới trẻ tham gia các hoạt động có ý nghĩa... Ảnh Ánh Dương
Nhiều nhà xã hội học cho rằng, những biểu hiện đó chính là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong đội ngũ kế thừa, tiếp bước sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó cũng chính là “lỗ hổng” để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu chống phá. Chúng lợi dụng mạng xã hội để tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ văn hóa độc hại, cổ xúy lối sống lai căng, tư tưởng lệch lạc nhằm “đánh lạc hướng”, khiến giới trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống của dân tộc, lãng quên lịch sử và sống thiếu lý tưởng.
Giới trẻ đang rất cần những chỉ dẫn đạo đức từ chính gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Những chỉ dẫn ấy nếu được truyền thông hậu thuẫn thì lại càng sớm phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của người trẻ. Đưa họ trở về với những giá trị đạo đức chuẩn mực. Từ đó, xây dựng lý tưởng sống cao đẹp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.