Tuy nhiên, dấu mốc cho sự ra đời của thịt nhân tạo vẫn được gắn với những chiếc hamburger có phần nhân lấy từ phòng thí nghiệm của Đại học Maastricht năm 2013. Mức giá khi đó cho 1 chiếc bánh là 320.000 USD, nhưng chỉ 2 năm sau, nhà sản xuất nói họ có thể tạo ra một chiếc hamburger có giá 11 USD.
Dù vậy, so với những hamburger trên thị trường, mức giá 11 USD vẫn được xem là khá đắt; chưa kể tới việc nhiều người cho rằng thịt nhân tạo đồng nghĩa với việc pha tạp thứ hóa chất nào đó trong phòng nghiệm.
Thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Thịt nhân tạo được phát triển từ mô động vật.
Thịt lợn nhân tạo được dự đoán sẽ cạnh tranh sòng phẳng với thịt “thật” trong vài ba năm tới. (Ảnh: Global Meat News)
Như trong phòng thí nghiệm ở Hà Lan, các tế bào gốc được nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng, cho phép chúng sinh sôi nảy nở gấp 30 lần. Tiếp theo, chúng được kết hợp với collagen đàn hồi, các tế bào tự sắp xếp thành những khối bắp thịt. Các khối bắp thịt sẽ được kích điện để lớn lên. Cuối cùng, khoảng 20.000 sợi thịt bò nhỏ được tạo ra, với cấu trúc giống như thịt lấy từ động vật giết mổ.
Kể từ sau bước đi tiên phong này, nhiều công ty bắt tay vào thị trường đầy hứa hẹn. Năm 2017, 2 tỷ phú Bill Gates và Richard Branson trợ cấp 17 triệu USD cho công ty khởi nghiệp Memphis Meats tại San Francisco, Mỹ để thương mại hóa thịt nhân tạo.
Memphis Meats hiện nuôi cấy hàng loạt các loại thịt nhân tạo như thịt lợn, thịt vịt, thịt gà và thịt bò.
Tháng 12/2018, công ty Aleph Farms có trụ sở tại Israel cho ra mắt món bít tết đầu tiên được làm từ thịt nhân tạo với chi phí khoảng 50 USD.
Didier Toubia, giám đốc điều hành của Aleph Farms khẳng định miếng thịt của họ có vị y như thật và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Ông cũng cam kết sẽ sớm đưa các sản phẩm của công ty tới khách hàng vào năm 2022.
Muộn hơn 1 chút, người tiêu dùng Nga cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức những món thịt có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vào năm 2023.
Với thịt nhân tạo của Nga, chúng được lấy từ phần mô cơ bắp nhỏ của giống bê Aberdeen Angus 2-3 ngày tuổi. Các tế bào được đặt trong môi trường tăng trưởng để hỗ trợ phát triển và phân chia. Môi trường nuôi cấy là loại gel đặc biệt bao gồm các axit amin, vitamin, muối, glucose, các yếu tố gắn kết và tăng trưởng.
“Câu hỏi quyết định trong quá trình thu nhận thịt là lựa chọn thành phần môi trường thích hợp. Nó không chỉ hỗ trợ cho sự phân chia của tế bào, mà còn tạo cho sản phẩm có hương vị, độ mọng nước, màu sắc và mùi thơm chân thực nhất. Đồng thời, môi trường là một trong những thành tố đắt nhất, ảnh hưởng đến chi phí nuôi và phát triển tế bào”, ông Alexandr Savkov, CEO của Liên hiệp xí nghiệp chế biến thực phẩm Ochakovo cho hay.
Vào thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra ngại ngần với thịt nhân tạo nhưng các nhà dự đoán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ sớm thay thể cho thịt gia súc hiện nay bởi hàng loạt lý do.
Chăn nuôi dù là ngành công nghiệp “không khói” nhưng lượng phát thải ra môi trường của nó không hề nhỏ. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến các hoạt động của con người. Các trang trại nuôi nhốt, chăn thả động vật cũng chiếm rất nhiều diện tích đất nông nghiệp.
Trong khi đó tại phòng thí nghiệm, những gì mà các nhà khoa học cần là một căn phòng với không gian cao tầng để trữ các mô động vật. Nước được sử dụng cũng ít hơn, lượng khí phát thải cũng ít hơn.
Nhiều người hiện vẫn lên án giết mổ động vật, do đó thịt nhân tạo sẽ là thực phẩm không thể phù hợp hơn dành cho họ.
Thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm cũng đảm bảo loại bỏ các nguy cơ bị nhiễm bệnh. Dịch tả lợn châu Phi 2 năm trở lại đây khiến nhiều người nước trên thế giới lao đao, nhưng nó sẽ không thể trở thành mối đe dọa với thịt nhân tạo.
Hàng loạt những lý do đó hứa hẹn thịt lợn nhân tạo có thể sẽ rất được chào đón khi nó được bày bán rộng rãi ra thị trường nhiều nước trên thế giới trong vài năm tới.