Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia NATO đồng minh với Mỹ, cho nên việc họ quyết định đặt mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf do Nga sản xuất bị xem là cực kỳ bất thường.
Ban đầu có nhận định cho rằng việc hỏi mua S-400 chỉ là "đòn gió" của Ankara tương tự như trước kia họ từng quan tâm HQ-9 của Trung Quốc, mục đích nhằm ép Mỹ cung cấp hệ thống phòng thủ Patriot PAC 3.
Nhưng rồi các suy đoán trên có vẻ sai hiện thực, khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ chối hủy bỏ hợp đồng S-400 ngay cả khi Mỹ đã đồng ý cung cấp tổ hợp Patriot PAC 3 cho họ.
Điều này đã khiến Washington cực kỳ tức giận và quyết định sẽ áp đặt điều luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (Đạo luật CAATSA) lên Ankara.
Biện pháp đầu tiên được đưa ra đó là Mỹ đã đình chỉ việc chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó Mỹ còn đe dọa sẽ đóng băng các chương trình hợp tác quân sự trong tương lai và áp đặt thêm các biện pháp cấm vận kinh tế, điều này có vẻ như đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chùn chân.
Mặc dù ngoài mặt vẫn tuyên bố cứng rắn rằng hợp đồng S-400 là đơn hàng đã được chốt nhưng thực tế bên trong có nhiều dấu hiệu cho thấy Ankara đang tìm cách rút chân.
Đầu tiên là tuyên bố hôm 19/4 của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông ám chỉ rằng "nếu chúng ta là thành viên NATO, chúng ta cũng phải chú ý đến những lo ngại của NATO".
Khi nói điều này dĩ nhiên ông Cavusoglu không chỉ nhắc đến khả năng S-400 bị từ chối kết nối vào hệ thống phòng thủ chung của NATO mà còn liên quan đến các nghi ngại về bí mật của tiêm kích tàng hình F-35 bị tiết lộ.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ước tính Ankara cần khoảng 200 tỷ USD vào năm 2019, trong đó gần 175 tỷ USD để giải quyết nợ ngắn hạn và điều hành nền kinh tế, khoản tiền này sẽ bị mất nếu họ hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Trước tình hình trên, ông Hasan Koni - nhà phân tích về quan hệ quốc tế từ đại học văn hóa Istanbul trong cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã đã cho biết "Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lui khỏi thỏa thuận S-400 theo một cách nào đó".
Ngoài ra nhà báo Okan Muderrisoglu từ tờ Daily Sabah cho biết, sau khi việc chuyển giao tên lửa S-400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc để lại hệ thống phòng thủ này cho Azerbaijan hoặc Qatar.
Azerbaijan hoặc Qatar là lựa chọn khả thi cho S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ để nhượng lại S-400 bởi vì Mỹ có căn cứ quân sự lớn nhất ở Doha, trong khi Azerbaijan nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Moskva.
Nhưng nếu Nga không sẵn sàng chia sẻ thông tin kỹ thuật mà họ dự kiến sẽ chuyển cho Ankara về hệ thống S-400 với cả Azerbaijan hoặc Qatar thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ xem xét chuyển S-400 cho Ấn Độ hoặc Venezuela.
Vấn đề vướng mắc hiện nay đó là nếu Ankara nhượng lại S-400 thì các quốc gia trên có sẵn tiền để thay mặt họ trả cho Nga hay không, nhưng rõ ràng thương vụ này đang trở thành "khúc xương khó nuốt".