Đây có thể là diễn biến làm căng thẳng chiến trường Libya khi nước này hiện đang bị chia cắt giữa 2 chính quyền riêng biệt, chính quyền của Thủ tướng Fayez Sarraj ở Tripoli và chính quyền ở miền Đông, mỗi bên đều nhận được sự ủng hộ của một số phe phái trong nước và Chính phủ nước ngoài.
Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP. |
Phát biểu trước các quan chức trong đảng cầm quyền của mình, Tổng thống Erdogan nói rằng, chính phủ Tripoli của Thủ tướng Fayez Sarraj “đã gửi lời mời” Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sĩ theo một thỏa thuận hợp tác hàng hải và quân sự mà hai bên ký kết mới đây.
“Chúng ta có thỏa thuận an ninh hàng hải và quân sự với Libya. Vào thời điểm hiện tại, do có một lời mời như vậy nên chúng tôi sẽ chấp nhận nó. Chúng ta sẽ trao cho chính quyền ở Tripoli mọi sự ủng hộ mà họ cần để chống lại âm mưu đảo chính của lực lượng được ủng hộ bởi các nước châu Âu và Arab. Chúng ta đang đứng về phía Chính phủ hợp pháp của Libya”, ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, dự luật triển khai quân tới Libya có thể được chuyển tới các nhà lập pháp vào ngày 8 hoặc ngày 9/1/2020, ngay khi Quốc hội trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Đảng cầm quyền của ông Erdogan hiện đang nắm thế đa số trong Quốc hội, điều cho thấy dự luật này có thể dễ dàng được thông qua.
Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực mở rộng hợp tác với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. Hồi tháng 11/2019, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya sau khi hai bên ký kết một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước, văn kiện vốn đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc, lực lượng vốn đang kiểm soát thủ đô Tripoli và một số khu vực ở miền Tây nước này. Trong khi đó, thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận vùng kinh tế còn đang tranh chấp ở phía Đông của biển Địa Trung Hải.
Hôm 22/12, Tổng thống Erdogan cũng đã tuyên bố, nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.
Kể từ hồi tháng 4/2019, Chính phủ Đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Fayez Sarraj đối mặt với một chiến dịch tấn công của chính phủ đối lập có trụ sở tại miền Đông Libya và các lực lượng thân với tướng Khalifa Haftar, người đang cố gắng giành thủ đô Tripoli.
Chiến sự xung quanh Tripoli đã gia tăng trong những tuần gần đây, sau khi ông Khalifa Haftar tuyên bố tổ chức một trận chiến “cuối cùng” và quyết định để chiếm thủ đô. Ông Khalifa Haftar được hậu thuẫn bởi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập, ngoài ra còn có Pháp và Nga, trong khi quyền tại Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italia hậu thuẫn.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố về kế hoạch tham chiến ở Libya cũng làm dấy lên quan ngại về mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa nước này với Nga. Trong phản ứng của mình, Nga bày tỏ rất lo ngại về kế hoạch triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.