Thời tiết diễn biến bất thường, tôm nuôi rất dễ "dính" bệnh
Chủ đầm tôm công nghệ cao trên cát Nguyễn Việt Khánh, ở xã Xuân Đan (Nghi Xuân) lo lắng: "Thời tiết mấy ngày nay rất “ẩm ương”, sáng nắng, chiều mưa làm cho nhiệt độ thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sức đề kháng của con tôm. Hơn 7 triệu con tôm giống mới thả được 40 ngày tuổi, nếu xẩy ra dịch bệnh thì coi như mất đứt gần 700 triệu đồng tiền mua con giống".
Thời tiết bất thường khiến anh mất ăn, mất ngủ. Hàng ngày, anh chủ yếu ở ngoài đầm, hết đi dọc bờ kiểm tra, thỉnh thoảng lại vớt tôm lên để quan sát hình dáng bên ngoài, màu sắc, thức ăn trong ruột… để điều chỉnh kịp thời về nhiệt độ, môi trường nước thích hợp.
Thường xuyên kiểm tra tôm để kịp thời điều chính môi trường ao nuôi
Thấp thỏm, lo sợ dịch bệnh xẩy ra là tâm trạng chung của hầu hết người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Khi thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, sẽ xuất hiện những cơn mưa làm cho nhiệt độ và độ mặn nước giảm đột ngột; nước mưa có tính axit, rửa trôi phèn từ bờ xuống ao, làm độ pH trong nước giảm, độ kiềm và lượng oxy hòa tan trong nước cũng giảm theo... Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh trên diện rộng.
Được biết, dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi cũng đã xuất hiện tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, với diện tích 0,55ha. Dấu hiệu cho thấy, nguy cơ dịch bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy, bệnh đường ruột... rất dễ xẩy ra cho tôm nuôi đầu vụ. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm trên địa bàn chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến (chiếm hơn 70% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh) nên hệ thống hạ tầng cấp thoát nước còn hạn chế, đầu tư cải tạo ao đầm chưa thật sự bài bản... Vì vậy, khi dịch bệnh xẩy ra rất khó kiểm soát, khống chế kịp thời.
Cán bộ Chi cục Thủy sản đi kiểm tra tôm giống trước diễn biến phức tạp của thời tiết
Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho rằng: "Thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy, để thích nghi và có biện pháp phòng tránh, người dân cần nắm rõ kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao đầm; đồng thời, tăng cường nguồn thức ăn giàu Vitamine C để nâng cao sức đề kháng cho tôm. Những vùng đã xuống giống tôm, thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước - một trong những yếu tố quan trọng làm cho tôm nuôi "dính" bệnh".
Sục khí thường xuyên để điều hòa ô xi nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm
Khi kiểm tra thấy cua, còng... trong khu vực ao nuôi thì phải loại bỏ ngay và có biện pháp xua đuổi các loại chim ăn tôm. Đây cũng chính là những tác nhân có thể mang mầm bệnh lây nhiễm sang tôm nuôi.
"Đặc biệt, tập thể, cá nhân nuôi tôm cần thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường... Khi phát hiện tôm nuôi có hiện tượng không bình thường phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để xử lý, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lan ra diện rộng" - Ông Cần nhấn mạnh.