Khoảng 1 tuần trở lại đây, độ ẩm trong không khí tại hầu hết các địa phương của Hà Tĩnh đều ở mức cao; nhiệt độ duy trì trong khoảng 19 - 22 độ C, kèm mưa phùn vào thời điểm sáng sớm và buổi đêm. Thời tiết này khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn.
Thời tiết nồm ẩm khiến nền nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt, gây bất tiện trong sinh hoạt của người dân.
Căn nhà hai tầng của chị Nguyễn Mai Anh (thị trấn Thạch Hà - huyện Thạch Hà) được xây dựng cao ráo, thoáng mát nhưng những ngày này, nền nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt; tường nhà, các vật dụng trong nhà “đổ mồ hôi” và xuất hiện hiện tượng nấm mốc.
Chị Mai Anh chia sẻ: “Nhà có trẻ con nên nền nhà ẩm ướt và trơn trượt không chỉ mất vệ sinh mà còn rất nguy hiểm với các cháu. Tôi cũng lau dọn thường xuyên nhưng chỉ được một lúc lại ẩm ướt trở lại. Nhiều đồ dùng trong nhà đã bị mốc xanh do ngấm hơi ẩm. Không gian sống ẩm ướt cũng tác động xấu đến sức khỏe của chúng tôi”.
Dù giặt phơi nhiều ngày nhưng quần áo, đồ dùng của gia đình bà Trần Thị Bé vẫn không thể khô.
Không có nhiều không gian nên ngoài việc nhà cửa ẩm ướt, gia đình bà Trần Thị Bé (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) còn gặp phải một vấn đề khá nan giải là quần áo, chăn màn phơi nhiều ngày không thể khô.
“Mùa đông quần áo dày, nhà lại đông người trong khi thời tiết ẩm ướt, mưa phùn nên không thể khô kịp. Dù đã tận dụng hết các khoảng trống trong nhà và phơi nhiều ngày nhưng quần áo vẫn không thể khô hoàn toàn được, lại có mùi khó chịu nữa”.
Nhiều vật dụng trong gia đình có hiện tượng “đổ mồ hôi”, nấm mốc.
Thời tiết nồm ẩm không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân.
Bác sỹ CKI Hoàng Yến - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước trên các bề mặt như sàn, thảm, kính, đồ gia dụng... khiến nấm mốc và các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Thêm nữa, thời tiết thay đổi liên tục trong ngày khi buổi sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh. Trong điều kiện thời tiết này, những người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch cũng dễ khởi phát triệu chứng”.
Thời tiết "ẩm ương" ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân vào thăm khám, điều trị tại Khoa Khám bệnh tăng khoảng 30%. Phần lớn trong số đó có các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như: viêm đau họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản, COPD và các loại cúm...
Bác sĩ Hoàng Yến khuyến cáo, vào những ngày nồm ẩm, các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm trong không khí mức 40 - 60%. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, do đó nên lau thường xuyên bằng khăn khô, hút ẩm tốt; hạn chế dùng thảm trải sàn trong những ngày nồm ẩm vì dễ bị ẩm mốc, gây kích ứng đường thở và nhiều bệnh khác.
Máy hút ẩm là vật dụng khá hữu ích đối với nhiều gia đình trong thời tiết này.
Bác sỹ cũng lưu ý, người dân khi ra ngoài trong thời tiết nồm ẩm, mưa phùn cần chú ý giữ ấm thân thể, mang theo các vật dụng che mưa như ô, áo mưa... Nếu bị ướt, cần nhanh chóng thay, sấy khô quần áo, làm ấm cơ thể bằng cách uống các loại nước ấm để tránh việc cơ thể nhiễm lạnh dễ mắc các bệnh hô hấp.
Hà Tĩnh trong những ngày tới vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết nồm ẩm kèm mưa phùn vào sáng sớm và đêm.
Dự báo về hiện tượng thời tiết này, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá cho biết: “Nồm ẩm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của miền Bắc, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe con người. Đợt nồm ẩm này tại Hà Tĩnh dự báo sẽ kéo dài đến sau ngày 10/2/2023, vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống”.