Khi con cái đều đã đi xa, niềm vui mỗi ngày của vợ chồng chị Chăn Thon là cùng theo dõi tin tức của người thân ở Campuchia và của con cháu trên mạng xã hội Facebook.
Nằm yên bình trên một con dốc thoai thoải ở tổ dân phố Hưng Lợi - phường Sông Trí - thị xã Kỳ Anh, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Phạm Trọng Việt cũng là quán cà phê mang tên Chăn Thon. Người bản xứ lẫn du khách đến đây không chỉ để thưởng thức đồ uống mà còn để được nghe câu chuyện tình yêu không biên giới của cựu quân tình nguyện với nàng thôn nữ Campuchia. Thậm chí, có những người đã đến đây không biết bao nhiêu lần, đã thuộc làu câu chuyện của chị trên mảnh đất Kỳ Anh nhưng vẫn muốn nghe mãi câu chuyện như cổ tích, như huyền thoại bằng giọng nói rặt ngữ điệu Kỳ Anh nhưng âm sắc vẫn còn đậm màu đất nước Campuchia của chị.
Năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Phạm Trọng Việt (sinh năm 1963) ở làng quê Kỳ Thịnh – Kỳ Anh ghi danh vào đội quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu. Trong những đêm dài buồn nhớ quê hương, Phạm Trọng Việt đã vô tình gặp nàng sơn nữ Xvai Chăn Thon - cô giáo mầm non ở huyện Săn Đan (tỉnh Công Pông Thơm) và trúng tiếng sét ái tình ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Dù biết sẽ có những cách trở về sau, nhưng cả hai đã không ngại ngần thề non hẹn biển và trao nhau những tâm tình thầm kín nhất…
Cà phê của chị Chăn Thon được nhiều người yêu thích bởi trong những giọt đắng đót đó người ta luôn tìm thấy dư vị ngọt ngào
Tình yêu của anh lính tình nguyện Việt Nam với cô gái dịu dàng Campuchia cứ thế êm đềm trôi đi cùng năm tháng cho đến năm 1987, khi Phạm Trọng Việt hoàn thành nhiệm vụ và phải trở về nước. Anh Việt về nước rồi, Chăn Thon ở lại như kẻ mất hồn, bơ vơ không nơi nương tựa. Dù Việt có hứa hẹn sẽ quay trở lại, dù anh đã dúi vào tay Chăn Thon địa chỉ nơi anh trở về thì trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, với sự cách trở về địa lý, cô gái 22 tuổi ấy cũng không thể tin Việt sẽ sớm trở lại. Đến ngày thứ 10, Chăn Thon nảy ra ý định sẽ sang Việt Nam.
Chính Chăn Thon cũng không nghĩ rằng, tình yêu lại mang đến những ý nghĩ mãnh liệt đến thế. Nó khiến một cô gái dịu dàng trở nên quả quyết. Dẫu từ nhỏ đến lớn chưa hề bước chân ra khỏi địa phương sinh sống, Chăn Thon vẫn quyết định bí mật lên đường. Trước mắt cô lúc ấy chỉ có gương mặt của Việt, bên tai cô lúc ấy chỉ có những lời hẹn hò của Việt. Và có lẽ nhờ đó mà những heo hút của đường rừng, những mịt mờ phía biên giới, những cách trở về văn hoá, ngôn ngữ cũng không còn ngăn được bước chân cô gái trẻ… Để cuối cùng, với tờ giấy ghi địa chỉ của anh Việt, từ biên giới Tây Ninh, Xvai Chăn Thon đã được tình yêu đưa đường, chỉ lối tìm về được căn nhà của anh Việt trong sự bất ngờ, sửng sốt của chính người yêu và gia đình.
Gia đình hạnh phúc của anh chị Phạm Trọng Việt - XVai Chăn Thon với những đứa con mang vẻ đẹp của 2 đất nước Việt Nam - Campuchia
"Người ta cứ nói tôi lãng mạn nhưng có lẽ tình yêu thì ở ai và ở đâu cũng giống nhau thôi. Tự tôi vẫn luôn tin vào 2 chữ định mệnh" - chị Chăn Thon nói. Định mệnh đã khiến họ gặp nhau. Định mệnh đã cho Chăn Thon ở lại, làm vợ của anh Việt, học nói tiếng Việt, học văn hoá Việt Nam để trở thành người Việt. Cũng có những lúc cô gái Campuchia ấy cảm nhận được nỗi cô đơn trên mảnh đất xa lạ. Cũng có những lúc Chăn Thon yếu đuối, muốn buông tay. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ cô hối hận về quyết định của mình.
Và khi mọi khó khăn qua đi, khi gia đình nhỏ đã ấm áp tiếng cười con trẻ, Chăn Thon ngỏ ý muốn trở về tạ tội với mẹ cha. Năm 1994, bằng chính con đường năm xưa đã sang Việt Nam, Chăn Thon cùng chồng và con gái thứ 2 về thăm quê hương: "7 năm bằn bặt không tin tức, tôi không tưởng tượng được giây phút hội ngộ sẽ như thế nào. Giận dữ hay vui mừng. Khóc hay cười. Dù sau tôi cũng phải trở về tạ tội với bậc sinh thành."
Trong những khoảnh khắc nhớ nhung gia đình, quê hương, chị Chăn Thon lại giở cuốn album lưu giữ hình ảnh những lần chị cùng chồng con trở về cố quốc.
Anh Việt cho biết: “Lúc chúng tôi tìm về đến nhà trời đã nhá nhem tối, cha mẹ Chăn Thon nhìn thấy đứa con gái “mất tích” trở về thì mừng nhiều hơn giận. Họ ôm chầm lấy nhau và khóc như mưa. Tôi cũng được tha thứ và đón nhận vào gia đình. Cũng may là chúng tôi đã vượt qua muôn ngàn khó khăn để nên duyên chồng vợ và chung sống hạnh phúc, nếu không thì tôi cũng không biết mình mang tội lớn thế nào với cha mẹ và anh chị của Chăn Thon”.
Sau hơn 3 thập kỷ dũng cảm vượt biên giới theo tiếng gọi tình yêu, chị Chăn Thon rất mãn nguyện khi có 3 đứa con đủ nếp đủ tẻ, học hành thành đạt. Chị cũng đã được nhập quốc tịch Việt Nam và có hộ chiếu để có thể đàng hoàng trở về cố quốc thăm gia đình.
Bây giờ, khi đã thành ông, thành bà, chuyện tình yêu của chị Chăn Thon và anh Phạm Trọng Việt vẫn được người quen, chòm xóm ngưỡng mộ và kể cho bạn bè nghe như một câu chuyện cổ tích. Thế hệ trẻ cũng noi vào đó để biết trân trọng hơn, gìn giữ hơn những niềm yêu thương của chính mình. Và tôi, trong một trưa đầu thu lặng gió, được trực tiếp nghe anh chị kể chuyện, càng thấm thía hơn về giá trị của tình yêu, càng thấm nhận được nhiều hơn về định mệnh, về duyên phận và những neo buộc của tình người…