Tại cuộc làm việc, nhiều giải pháp đã được nêu ra nhằm tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng ảnh hưởng đến công tác GPMB các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn
Năm 2018, thị xã Kỳ Anh tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, GPMB 66 dự án, trong đó 59 dự án chuyển tiếp từ năm 2017, 7 dự án tiếp nhận mới 2018.
Có 5.561 lượt hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi 651 ha đất; di dời tái định cư 505 hộ dân, 1 nhà thờ thiên chúa giáo, 2 đền chùa, 18 nhà thờ họ; hơn 2.824 ngôi mộ phải cất bốc...
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn báo cáo tiến độ thực hiện GPMB các dự án
Thị xã đã bàn giao mặt bằng sạch 6 dự án, diện tích 74,23 ha; bàn giao một phần 2 dự án, diện tích 4,9ha; hoàn thành hồ sơ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 dự án, 90 hộ tại Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên; còn lại 60 dự án đang thực hiện.
Trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, công trình xây dựng, mốc hành lang, phương án tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh phí đo vẽ bản đồ địa chính.
Tại cuộc làm việc, UBND thị xã Kỳ Anh đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý một số vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của địa phương liên quan đến dự án di dời thôn Tân Phúc Thành 2 và 3, như: Xem xét mức hỗ trợ đối với các hộ có công trình vi phạm; hỗ trợ kiểm kê, đánh giá giá trị còn lại đối với thuyền lưới, ngư cụ, nông cụ; đồng thời với đó, hướng dẫn các điều kiện cấp đất tái định cư các hộ ảnh hưởng di dời GPMB...
Phó trưởng BQL KKT tỉnh Nguyễn Văn Khoa: Một số công trình, dự án trong đó có những tiểu hợp phần do thị xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, để BQL chuyển được nguồn kinh phí cho địa phương thì gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ, đòi hỏi văn bản phân khai nguồn vốn.
Đặc biệt, thị xã Kỳ Anh đề nghị tỉnh sớm xử lý vướng mắc trong quá trình xây dựng phương án tái định cư cho các hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thuộc diện thu hồi; phương án giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã làm nhà trên đất không thuộc diện đất ở, nay không đủ điều kiện bồi thường nhưng thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở. Đây thực sự là vấn đề khiến thị xã gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Việc xử lý các vướng mắc, các ngành và địa phương phải thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau để có sự thống nhất ý kiến, tránh tình trạng mỗi đơn vị một ý, một văn bản, khiến cho việc giải quyết các tồn đọng bị chậm trễ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng khẳng định, các tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn thị xã đã tồn tại từ lâu, việc tháo gỡ cần có lộ trình và sự vào cuộc phối hợp của các sở, ban, ngành và chính quyền thị xã. Đối với những vướng mắc về đất đai trước năm 1980, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục đề xuất, trao đổi với Bộ TN&MT trên tinh thần kiên trì, nỗ lực.
Riêng với dự án di dời thôn Tân Phúc Thành 2 và 3, về mức độ hỗ trợ bà con, thị xã Kỳ Anh cần chủ động phối hợp, kết nối với Sở TN&MT để có phướng án đề xuất phù hợp cho tỉnh.
Liên quan đến việc di dời, tái định cư một số dự án trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị những hộ nào đủ điều kiện thì tổ chức di dời, bố trí tái định cư trước; những trường hợp còn vướng mắc, thị xã phối hợp với ngành chức năng tham mưu cho tỉnh phương án xử lý kịp thời...